fbpx

Thừa kế thế vị bất động sản

Hỏi: Cuối năm 2016 ba tôi mất do bệnh mà không để lại di chúc, di sản ba tôi để lại là căn nhà cấp 4 ba mẹ tôi tạo dựng từ khi lấy nhau về. Gia đình tôi cũng chưa thực hiện việc chia thừa kế, thì đến năm 2019 em tôi bị tai nạn mất, cũng không có di chúc.  Em trai tôi đã lập gia đình và có 02 đứa con. Bây giờ mẹ tôi tính lập di chúc thì em dâu tôi đòi để lại một phần di sản cho 02 đứa con và em dâu. Cho tôi hỏi, khi em trai tôi đã mất thì em dâu và 02 cháu tôi có được hưởng phần di sản mà ba mẹ tôi để lại không?

Trả lời:

VietPointLaw cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến chúng tôi, VietPointLaw xin phúc đáp trường hợp của bạn như sau:

Căn nhà do ba mẹ bạn tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân nên đây là tài sản chung của ba mẹ bạn. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì về nguyên tắc, khi chia tài sản chung của vợ chồng, tài sản chung sẽ chia đôi, như vậy phần di sản ba bạn để lại là ½ căn nhà, còn ½ là tài sản của mẹ bạn. Với các thông tin bạn cung cấp, chúng tôi nêu ý kiến tư vấn như sau:

Thứ nhất, đối với phần di sản ½ căn nhà mà ba bạn để lại được chia như sau:

Do ba bạn mất mà không để lại di chúc nên phần di sản mà ba bạn để lại là 1/2 căn nhà sẽ được chia theo pháp luật, tức là chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm: Bạn, em trai bạn, mẹ bạn và ông bà nội bạn (nếu còn sống) theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015.

Bài viết tương tự:  Viên Chức Có Được Sở Hữu Cổ Phần Không?

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”.

Như vậy, em trai bạn được hưởng 1 phần trong di sản thừa kế ba bạn để lại, nay em trai bạn đã mất, nếu không lập di chúc thì phần di sản thừa kế của em trai bạn cũng được chia theo qui định pháp luật tương tự như trên: mẹ bạn, vợ và các con của em trai bạn mỗi người được hưởng 01 phần bằng nhau đối với di sản thừa kế em trai em để lại.

Bài viết tương tự:  Gia hạn chứng chỉ hành nghề môi giới

Thứ hai, trong trường hợp mẹ bạn mất thì đối với phần di sản mà mẹ bạn để lại được chia như sau:

Phần di sản của mẹ bạn gồm: ½ căn nhà, hưởng 01 phần di sản thừa kế của ba bạn, hưởng 01 phần di sản thừa kế của em trai bạn.

Trường hợp mẹ bạn viết di chúc hợp pháp thì di sản sẽ được chia theo di chúc.

Trường hợp mẹ bạn không viết di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì di sản sẽ được chia theo pháp luật.

Do em bạn mất trước mẹ bạn nên căn cứ theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015 về thừa kế thế vị: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.

Theo đó, 02 cháu của bạn sẽ được hưởng phần di sản thừa kế mà đáng ra em bạn được hưởng, còn em dâu bạn không được hưởng phần di sản thừa kế này.

Trân trọng.

Bộ phận Tư vấn Pháp luật.

CÔNG TY LUẬT TNHH VIETPOINT

Hotline: 08 9997 3979 (Luật sư Lâm Minh Sang)

📧 Email tư vấn: minhsang@vietpointlaw.vn

📬 Địa Chỉ: Số 16 Đường 34, Phường Bình An, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *