fbpx

Tháo gỡ rào cản, tăng trưởng kinh tế có thể vượt 07% – 08%

Nếu tháo gỡ các rào cản hiện nay thì tốc độ tăng trưởng GDP có thể vượt mốc 07 – 08%/năm. Nếu tình trạng xung đột, chồng chéo pháp luật được tháo gỡ, các dự án lớn nhanh chóng được thực hiện thì kỳ tích phát triển của năm 2019 còn to lớn hơn nữa.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2019 sáng 10/1với chủ đề về vai trò và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng chủ tịch Liên minh VBF, ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực và thành phần kinh tế.

Tuy nhiên, ông Lộc cũng thẳng thắn nhìn nhận, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá lớn so với các nước đi trước trong khu vực.

“Điều đó cho thấy, không gian và dư địa cải cách vẫn rất lớn. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, nếu tháo gỡ các rào cản hiện nay thì Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được kỳ tích phát triển cao hơn, tốc độ tăng trưởng GDP hoàn toàn có thể vượt mốc 7%-8%/năm. Nếu tình trạng xung đột, chồng chéo pháp luật được tháo gỡ, các dự án lớn được nhanh chóng đi vào thực hiện thì kỳ tích phát triển của năm 2019 còn to lớn hơn nữa”, ông Lộc cho biết.

Nhắc tới những vấn đề chồng chéo, xung đột pháp luật, ông Lộc nêu rõ, thời gian qua thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, VCCI đã thu thập, nhận diện, phân tích và làm rõ nhiều điểm chồng chéo, xung đột giữa các quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, đã có 25 điểm xung đột, chồng chéo lớn giữa các đạo luật về đầu tư kinh doanh được báo cáo cụ thể tới Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, cùng những đề xuất, kiến nghị được tháo gỡ và giải phóng ngay cho doanh nghiệp.

Đại diện tiếng nói của doanh nghiệp, ông Lộc gửi tới Chính phủ nhiều giải pháp để thúc đẩy tiến trình cải cách, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp.

Đó là tiếp tục cải thiện các chính sách, cơ chế về khởi sự kinh doanh, về thuế, về giấy phép xây dựng cùng các giấy phép có liên quan; cải cách các quy định về quản lý xây dựng, đất đai và đăng ký bất động sản; cải cách tư pháp nhằm hỗ trợ môi trường kinh doanh; tiếp tục cải thiện hạ tầng và tiếp cận điện năng; tiếp tục cải cách điều kiện đầu tư kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hoá và kiểm tra chuyên ngành, kiểm soát tham nhũng và giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.

Bài viết tương tự:  Nghị định số 52/2020/NĐ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn

Các cơ quan Nhà nước cần đảm bảo tính ổn định của chính sách với nguyên tắc không hồi tố bất lợi cho doanh nghiệp và người dân trong quá trình xây dựng các quy định pháp luật. Cùng với đó, việc ứng dụng các cổng dịch vụ công, dịch vụ trực tuyến cũng được chú trọng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa…

3 ưu tiên quan trọng

Bà Virginia Foote, Đồng Chủ tịch, Liên minh VBF cho rằng, Việt Nam đang ở vị thế tốt để nắm bắt các cơ hội tích cực trong dài hạn nhưng cần thiết lập các hệ thống chuẩn bị cho chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0, thu hút thêm FDI, và tăng cường liên kết chuỗi để đạt được nhiều lợi ích hơn từ những cơ hội này.

Theo bà Virginia Foote, Việt Nam có thể tập trung vào 3 ưu tiên quan trọng để phát huy vai trò, đóng góp của FDI cho tăng trưởng bền vững. Đầu tiên, nguồn vốn FDI có thể giúp Chính phủ và khu vực tư nhân xây dựng các hệ thống hiệu quả hơn, dành ít thời gian và tiền bạc hơn cho các thủ tục hành chính.

Nguồn vốn FDI luôn bị thu hút bởi các môi trường kinh doanh tuân thủ các thông lệ quốc tế, các tiêu chuẩn toàn vẹn trong kinh doanh, cạnh tranh mở, hệ thống thanh toán toàn cầu, cơ chế giảm sử dụng tiền mặt, giảm tham nhũng, thủ tục hành chính đơn giản, các chính sách có thể dự báo được…

Thứ 2, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững là nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bền vững và hướng tới nền kinh tế tuần hoàn là hiển nhiên và cấp bách. Việc giải quyết chất lượng không khí bị ô nhiễm và suy thoái môi trường do quản lý chất thải kém hiệu quả không chỉ cấp bách đối với sự bền vững mà còn là cơ hội to lớn đối với tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, đồng thời hướng đến mục tiêu của nền kinh tế tuần hoàn.

Việt Nam cần ưu tiên tối ưu hóa sử dụng năng lượng tái tạo, giúp giảm ô nhiễm môi trường. Việc quản lý và tái chế chất thải là tiềm năng khổng lồ ở thị trường Việt Nam bởi Việt Nam thuộc top đầu các quốc gia có lượng chất thải nhựa ra đại dương, trong khi Việt Nam đang phải nhập khẩu nhựa và giấy – 2 loại nguyên liệu mà lẽ ra nên được tái chế trong nước.

“FDI sẽ bị thu hút bởi các chính sách của Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và chúng tôi sẽ sát cánh thực hiện các mục tiêu này. Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với phía Việt Nam để phát triển nền giáo dục công và thiết lập các quy định chung đẻ xây dựng một Việt Nam xanh và sạch hơn.

Bài viết tương tự:  Phê duyệt chủ trương đầu tư đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ

Điểm quan trọng thứ 3 về vai trò của FDI đối với việc thiết lập nền hành chính và cơ sở hạ tầng cơ bản, tầm nhìn cho tăng trưởng kinh tế bền vững trong tương lai. Việt Nam nên ưu tiên xây dựng hệ thống hành chính mạnh để chào đón, khuyến khích và nuôi dưỡng nguồn vốn FDI, tập trung đổi mới liên kết khu vực FDI với khu vực tư nhân.

Nhiều nhà đầu tư còn ngần ngại

Ông Miura Nobufumi, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, để thu hút FDI hiệu quả, Việt Nam cần đưa ra những ưu tiên rõ ràng hơn, như ưu tiên sức khỏe môi trường hơn so với phát triển công nghiệp. Vấn đề thiếu hụt điện, đường sân bay ngày một khó khăn hơn tại Việt Nam, việc triển khai PPP sẽ giúp giải quyết vấn đề này. Ngoài ra, cần xem xét đến quy định về góp vốn nhà nước.

Theo ông Miura, cần ổn định môi trường pháp lý, thực tế, vẫn có trường hợp lợi ích hợp lý của doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài chưa được bảo vệ đầy đủ. Đây là lý do mà nhà đầu tư nước ngoài còn ngại ngần đầu tư bất chấp các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần xây dựng hệ thống pháp luật để doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong môi trường pháp luật ổn định.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, để hoàn thiện hơn vai trò Chính phủ kiến tạo, đồng thời nỗ lực nhiều hơn để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, thời gian tới, Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc; lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Về cơ bản, chủ trương sẽ là ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ tương lai, dự án xanh, quản trị hiện đại, hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Các đề xuất, kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp; trong đó, đặc biệt là từ các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam sẽ tiếp tục được ghi nhận, tổng hợp và phản hồi sớm nhất. Hơn lúc nào hết, song hành với Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương sẽ tích cực hoàn thiện thể chế, các chính sách pháp luật, cải thiện thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, tạo cơ hội và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân để họ yên tâm đầu tư và tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh./.

Theo canhtranhquocgia.vn ngày 10/01/2020

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *