fbpx

Thủ tục tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội do dịch Covid-19 và các biểu mẫu liên quan

Trong tình hình hiện nay, dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến toàn thể xã hội và nền kinh tế đất nước. Do đó, để tập trung phòng chống, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, ngày 04/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó, một trong những giải pháp mà Chỉ thị số 11/CT-TTg đưa ra đó chính là tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 (sau đây “bảo hiểm xã hội” được viết tắt là “BHXH”).

Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 17/3/2020, BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 860/BHXH-BT về việc tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

1. Trường hợp và điều kiện tạm dừng đóng BHXH do dịch Covid-19.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 88 Luật BHXH năm 2014 và Khoản 1, 2 Điều 16 Nghị định 115/2015/NĐ-CP và Công văn số 860/BHXH-BT, đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất là các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp (gọi chung là doanh nghiệp) thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra và thỏa điều kiện sau:

– Không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên; hoặc

– Bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).

Lưu ý: Các trường hợp được tạm dừng đóng BHXH nêu trên thuộc các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, đây chỉ là một trong những trường hợp được tạm dừng đóng BHXH theo quy định pháp luật. Cần lưu ý là các trường hợp sau cũng được tạm dừng đóng BHXH:

Tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 01 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế.

Gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa.

2. Thời gian tạm dừng đóng BHXH do dịch Covid-19.

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 88 Luật BHXH năm 2014 và Khoản 3 Điều 16 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không quá 12 tháng.

Đối với đối tượng chịu ảnh hưởng của Dịch Covid-19, Điểm b Mục 1 Công văn số 860/BHXH-BT nêu rõ, việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 06/2020. Trong trường hợp đến hết tháng 06/2020, dịch Covid vẫn chưa thuyên giảm, nếu doanh nghiệp có đề nghị thì kịp thời phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính báo cáo UBND cấp tỉnh gửi BHXH Việt Nam để xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12/2020.

Bài viết tương tự:  Hồ sơ, thủ tục thay đổi vốn điều lệ Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Đồng thời tại Điểm c Mục 1 Công văn số 860/BHXH-BT, trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, doanh nghiệp có trách nhiệm đóng đầy đủ, kịp thời quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Lưu ý: Điểm b Khoản 3 Điều 16 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định hết thời hạn tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, người sử dụng lao động và người lao động tiếp tục đóng BHXH và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại Khoản 3 Điều 122 của Luật BHXH năm 2014.

3. Quy trình, thủ tục tạm dừng đóng BHXH do dịch Covid-19.

Bước 1. Xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH tạm thời nghỉ việc/ giá trị tài sản bị thiệt hại.

Hồ sơ:

+ Nếu tạm dừng theo trường hợp không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên:

* Công văn đề nghị xác nhận đủ điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

* Danh sách lao động tại thời điểm trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh và tại thời điểm đề nghị.

* Danh sách lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc.

+ Nếu tạm dừng theo trường hợp bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất):

* Công văn đề nghị xác nhận đủ điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

* Báo cáo kiểm kê tài sản gần nhất trước thời điểm bị thiệt hại.

* Biên bản kiểm kê tài sản thiệt hại do dịch bệnh Covid-19.

Nơi nộp hồ sơ:

+ Nếu xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH tạm thời nghỉ việc: Phòng LĐTBXH (nếu doanh nghiệp thuộc UBND địa phương quản lý) hoặc Bộ, ngành (nếu doanh nghiệp thuộc Bộ, ngành trung ương quản lý).

+ Nếu xác định giá trị tài sản bị thiệt hại: Cơ quan tài chính địa phương (nếu doanh nghiệp thuộc UBND địa phương quản lý) hoặc Cơ quan tài chính của Bộ, ngành hoặc Bộ tài chính (nếu doanh nghiệp do Bộ, ngành trung ương quản lý).

Thủ tục:

+ Doanh nghiệp nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền.

+ Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, xác định và có văn bản trả lời.

Bài viết tương tự:  Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh

Bước 2. Thực hiện thủ tục tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Hồ sơ:

+ Văn bản đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

+ Văn bản xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH tạm thời nghỉ việc hoặc văn bản xác định giá trị tài sản bị thiệt hại.

Lưu ý: Thành phần hồ sơ trên được quy định tại Khoản 3 Điều 28 Nghị định 59/2015/NĐ-CP. Tùy từng địa phương mà thành phần hồ sơ nộp cho BHXH có thể khác. Chẳng hạn như tại TP. HCM, BHXH TP. HCM ban hành Công văn 553/BHXH-QLT ngày 23/3/2020 quy định hồ sơ nộp cho cơ quan BHXH như sau:

Hồ sơ theo phiếu giao nhận 600a gồm: Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Mẫu D02-TS); Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).

Văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác nhận đủ điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

Hoặc tại TP. Hà Nội, hồ sơ nộp cho BHXH quy định tại Công văn số 882/HDLN-BHXH-LĐTB&XH-TC:

Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS).

Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Mẫu D02-TS).

Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).

Văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác nhận đủ điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

Thủ tục:

+ Doanh nghiệp nộp hồ sơ tại cơ quan BHXH.

+ Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Thời điểm tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tính từ tháng người sử dụng lao động có văn bản đề nghị.

4. Biểu mẫu kèm theo.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *