PHẦN 1: KHÁI QUÁT VỀ KÊ KHAI THUẾ.
1. Khái niệm thuế và kê khai thuế.
Thuế là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định của các luật thuế (Khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý thuế năm 2019).
Kê khai thuế là một trong những trách nhiệm của người nộp thuế. Theo đó, người nộp thuế phải khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế (Khoản 2 Điều 17 Luật Quản lý thuế năm 2019).
2. Cơ chế quản lý kê khai, nộp thuế theo pháp luật Việt Nam.
Như đã trình bày ở Mục 1, thuế là khoản ngân sách bắt buộc mà người nộp thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước và Nhà nước sẽ quản lý vấn đề này. Tuy nhiên, mỗi quốc gia sẽ có quy định về cơ chế quản lý việc kê khai, nộp thuế khác nhau.
Theo Bài giảng Pháp luật về Quản lý thuế của TS. Vũ Văn Cương, hiện nay, trên thế giới có hai loại cơ chế quản lý thuế. Đầu tiên là cơ chế cơ quan thuế tính thuế (official assessment), theo đó việc xác định số thuế phải nộp là trách nhiệm của cơ quan thuế; cơ chế này đòi hỏi cán bộ thuế phải kiểm tra tất cả các tờ khai thuế, các khoản phải thu dựa trên số liệu mà cơ quan thuế có được để xác định số thuế chính thức phải nộp và ra thông báo thuế cho người nộp thuế.
Cơ chế quản lý thuế thứ hai đó là cơ chế người nộp thuế tự tính thuế (self assessment), hay còn gọi là cơ chế người nộp thuế tự khai, tự nộp thuế. Cơ chế này dựa trên nền tảng sự tuân thủ tự giác về nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, theo đó người nộp thuế căn cứ vào các quy định pháp luật để xác định nghĩa vụ của mình, tự kê khai, nộp thuế theo số đã tính vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, cơ quan thuế có trách nhiệm quản lý, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ nghĩa vụ của người nộp thuế.
Theo quy định pháp luật Việt Nam, việc quản lý thuế được áp dụng theo cơ chế người nộp thuế tự tính thuế. Cụ thể, căn cứ Điều 16 Luật Quản lý thuế năm 2019, người nộp thuế tự kê khai, tự xác định số thuế phải nộp và nộp thuế vào ngân sách nhà nước.
3. Tại sao phải kê khai thuế?
- Việc kê khai thuế có ý nghĩa quan trọng trong quy trình quản lý thuế, đồng thời thể hiện trách nhiệm, ý thức của người nộp thuế, là một bước quan trọng để thực hiện trách nhiệm nộp thuế vào ngân sách nhà nước.
- Nếu không kê khai thuế, kê khai chậm so với thời hạn quy định hoặc kê khai không đúng, không đầy đủ, người nộp thuế phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật.
4. Doanh nghiệp có bắt buộc kê khai thuế qua mạng hay không?
Căn cứ Khoản 10 Điều 17 Luật Quản lý thuế năm 2019, một trong những trách nhiệm của người nộp thuế là: “Người nộp thuế thực hiện hoạt động kinh doanh tại địa bàn có cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin phải thực hiện kê khai, nộp thuế, giao dịch với cơ quan quản lý thuế thông qua phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật”.
Đồng thời căn cứ Khoản 3 Điều 3 Thông tư 09/2017/TT-BTNMT: “Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin là tập hợp thiết bị tính toán (máy chủ, máy trạm), thiết bị kết nối mạng, thiết bị an ninh an toàn, thiết bị ngoại vi và thiết bị phụ trợ, mạng nội bộ, mạng diện rộng”.
Như vậy, trường hợp doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh tại địa bàn có cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin thì doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện kê khai thuế qua mạng.
5. Thời hạn phải thực hiện kê khai thuế.
Căn cứ Điều 44 Luật Quản lý thuế năm 2019, tuỳ theo từng loại thuế, từng trường hợp mà thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khác nhau, cụ thể:
- Đối với loại thuế khai theo tháng: Chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.
- Đối với loại thuế khai theo quý: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
- Đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm:
Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm; chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm.
Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế.
Chậm nhất là ngày 15 tháng 12 của năm trước liền kề đối với hồ sơ khai thuế khoán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán; trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới kinh doanh thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh.
- Đối với loại thuế khai và nộp theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế: Chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.
- Đối với trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng hoặc tổ chức lại doanh nghiệp: Chậm nhất là ngày thứ 45 kể từ ngày xảy ra sự kiện.
- Đối với thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; tiền sử dụng đất; tiền thuê đất, thuê mặt nước; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; lệ phí trước bạ; lệ phí môn bài; khoản thu vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; báo cáo lợi nhuận liên quốc gia: Chính phủ quy định.
- Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu: Theo quy định của Luật Hải quan.
Lưu ý: Trường hợp người nộp thuế khai thuế thông qua giao dịch điện tử trong ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế mà cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế gặp sự cố thì người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế, chứng từ nộp thuế điện tử trong ngày tiếp theo sau khi cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế tiếp tục hoạt động.
Xem tiếp Phần 2 tại đây.
Bộ phận Tư vấn Pháp luật