fbpx

Các quy định, thủ tục về đầu tư dự án trong khu công nghiệp

Việc các nhà đầu tư ngày nay đầu tư vào các dự án trong khu công nghiệp xuất hiện ngày một nhiều trước bối cảnh thị trường đầu tư nước ta đang được mở rộng.

Dưới đây là các quy định về các thủ tục đầu tư dự án trong Khu công nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp.

Thủ tục đầu tư vào Khu công nghiệp:

Bước 1: Đăng ký đầu tư vào Khu công nghiệp, xác định vị trí trí dự án và ký kết Hợp đồng thuê đất sơ bộ với Công ty phát triển hạ tầng.

Nhà đầu tư thỏa thuận trực tiếp với Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp về vị trí lựa chọn để triển khai dự án đầu tư, diện tích đất dự kiến sẽ thuê và vị trí lô đất căn cứ vào quy hoạch được duyệt để triển khai dự án. Ngay sau đó nhà đầu tư cần ký Hợp đồng thuê đất sơ bộ với Công ty phát triển hạ tầng và đặt cọc tiền để giữ chỗ.

Bước 2: Thực hiện thủ tục xin cấp Giấy giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp thuộc diện hoặc không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư.

Về thẩm quyền cấp Giấy phép đầu tư, tại Khoản 2 Điều 28 Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư (viết tắt là “Nghị định 118/2015/NĐ-CP”) có quy định Ban Quản lý các khu công nghiệp tiếp nhận, cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, gồm:

– Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp;

– Dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp.

Như vậy, trách nhiệm chính của Ban Quản lý các khu công nghiệp là đầu mối tiếp nhận, thụ lý, giải quyết đăng ký đầu tư của nhà đầu tư.

1. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư:

Thủ tục quyết định chủ trương đầu tư:

Tại Khoản 3 Điều 36 Luật Đầu tư 2014 quy định: “Đối với dự án đầu tư quy định tại các điều 30, 31 và 32 của Luật này, nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật này thực hiện dự án đầu tư sau khi được quyết định chủ trương đầu tư.”

Như vậy, đối tượng thực hiện là nhà đầu tư trong nước và tổ chức kinh tế quy định tại Khoản 2 Điều 23 Luật Đầu tư 2014 phải tiến hành xin quyết định chủ trương đầu tư khi dự án đầu tư thuộc diện phải xin quyết định chủ trương đầu tư quy định tại Điều 30, Điều 31 và Điều 32 Luật Đầu tư.

Hồ sơ cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án của:

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2014;

– Thủ tướng Chính phủ: Khoản 1 Điều 34 Luật Đầu tư 2014;

– Quốc hội: Khoản 1 Điều 35 Luật Đầu tư 2014.

Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư: Điều 33, Điều 34, Điều 35 Luật Đầu tư 2014.

Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư:

Khoản 1 Điều 37 Luật Đầu tư 2014: “Đối với dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại các Điều 30, 31 và 32 của Luật này, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư.”

Theo quy định trên, đối tượng thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư cần thực hiện xin quyết định chủ trương đầu tư được nêu trên và Ban Quản lý khu công nghiệp cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư.

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 28 Nghị định 118/2015/NĐ-CP và Khoản 2 Điều 37 Luật Đầu tư 2014 thì đối với dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại các Điều 30, 31 và 32 của Luật này, nhà đầu tư nộp hồ sơ theo Khoản 1 Điều 33 Luật này cho Ban Quản lý khu công nghiệp để xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Đối tượng thực hiện: Khoản 1 Điều 36 Luật Đầu tư 2014.

Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, Ban Quản lý khu công nghiệp cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Bước 3: Ký hợp đồng thuê đất chính thức và nhận bàn giao mặt bằng.

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Nhà đầu tư ký Hợp đồng thuê đất chính thức với Công ty phát triển hạ tầng. Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục, hồ sơ địa chính cần thiết về việc cho thuê lại đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.

Bước 4: Hoàn tất các thủ tục hành chính sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

– Thành lập doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014;

– Thực hiện khắc con dấu, đăng ký mẫu dấu (nếu có) và thông báo sử dụng mẫu dấu theo quy định của pháp luật;

– Mở tài khoản ngân hàng và thực hiện thủ tục thông báo theo quy định pháp luật;

– Xin Giấy phép lao động cho người nước ngoài; Đăng ký các thủ tục xuất nhập cảnh, cư trú, … cho người nước ngoài (đối với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động là người nước ngoài); Đăng ký nhãn hiệu hàng hoá; …

Bài viết tương tự:  Điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Bước 5: Hoàn tất các thủ tục thẩm định, thiết kế và xây dựng dự án, công trình.

1. Thực hiện việc đấu thầu hoặc tuyển chọn tư vấn thiết kế theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu. Việc xây dựng phải tuân thủ quy hoạch mặt bằng và thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt.

2. Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết/ quy hoạch tổng mặt bằng.

– Cơ quan tiếp nhận: Điều 31 Nghị định 37/2010/NĐ-CP về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị.

– Thời hạn giải quyết (Điều 32 Nghị định 37/2010/NĐ-CP về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị):

+ Đối với thành phố trực thuộc Trung ương, thời gian thẩm định đồ án không quá 30 ngày, thời gian phê duyệt đồ án không quá 25 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định.

+ Đối với thành phố thuộc tỉnh, thị xã, đô thị mới và thị trấn, thời gian thẩm định đồ án không quá 25 ngày làm việc, thời gian phê duyệt đồ án không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

3. Thẩm định thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng công trình.

– Cơ quan tiếp nhận: Ban Quản lý khu công nghiệp.

– Thời hạn giải quyết (Khoản 4 Điều 11 Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng):

Thời gian thẩm định thiết kế cơ sở được tính từ ngày cơ quan, tổ chức thẩm định nhận đủ hồ sơ hợp lệ, như sau:

+ Không quá 60 ngày đối với dự án quan trọng quốc gia;

+ Không quá 30 ngày đối với dự án nhóm A;

+ Không quá 20 ngày đối với dự án nhóm B;

+ Không quá 15 ngày đối với dự án nhóm C.

4. Thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy.

Nhà đầu tư có dự án, công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và Chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và Chữa cháy (viết tắt là “Nghị định 79/2014/NĐ-CP”) nộp hồ sơ để xin thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy tại Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn – Công an tỉnh nơi dự án.

– Thời hạn giải quyết (Khoản 5 Điều 15 Nghị định 79/2014/NĐ-CP):

Thời hạn thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy được tính kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cụ thể như sau:

+ Thiết kế cơ sở không quá 10 ngày làm việc đối với dự án nhóm A, không quá 05 ngày làm việc đối với dự án nhóm B và C;

+ Thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công không quá 15 ngày làm việc đối với dự án nhóm A, không quá 10 ngày làm việc đối với dự án nhóm B và C.

5. Thỏa thuận về cấp nước, thoát nước, cấp điện với Công ty phát triển hạ tầng và Công ty cấp nước để thỏa thuận hoặc liên hệ với Ban Quản lý khu công nghiệp để được hướng dẫn thực hiện việc thỏa thuận về cấp nước, thoát nước, cấp điện.

6. Thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.

Thủ tục thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường:

– Đối tượng thực hiện thủ tục Báo cáo đánh giá tác động môi trường (Khoản 1 Điều 12 Nghị định 18/2015/NĐ-CP quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường, viết tắt “Nghị định 18/2015/NĐ-CP”): Phụ lục II Nghị định 18/2015/NĐ-CP.

– Cơ quan tiếp nhận (Khoản 5 Điều 1 Nghị định 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường, viết tắt là “Nghị định 40/2019/NĐ-CP”): Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (đối với dự án thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường); Cơ quan chuyên môn được giao nhiệm vụ thẩm định của các Bộ, ngành khác.

– Thời hạn giải quyết: 

+ Thời hạn trả lời tính hợp lệ của hồ sơ (Khoản 2 Điều 8 Thông tư 27/2015/TT-BTNMT về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường, viết tắt là “Thông tư 27/2015/TT-BTNMT”): tối đa 05 ngày làm việc.

+ Thời hạn thẩm định (Khoản 5 Điều 1 Nghị định 40/2019/NĐ-CP):

* Thời hạn tổ chức thẩm định thông qua hội đồng thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường không quá 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; riêng đối với các dự án thuộc danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục IIa Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP, thời hạn thẩm định không quá 45 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ;

* Thời hạn tổ chức thẩm định thông qua hội đồng thẩm định của các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không quá 25 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; riêng đối với các dự án thuộc danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục IIa Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP, thời hạn thẩm định không quá 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ;

* Thời hạn thẩm định thông qua việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan không quá 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Bài viết tương tự:  Thành lập hộ kinh doanh cá thể

+ Thời hạn phê duyệt (Khoản 2 Điều 9 Thông tư 27/2015/TT-BTNMT): 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Thủ tục xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường:

– Đối tượng đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường: Khoản 1 Điều 18 Nghị định 18/2015/NĐ-CP.

– Cơ quan tiếp nhận và xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường (Điểm d Khoản 1 Điều 19 Nghị định 18/2015/NĐ-CP): Ban Quản lý khu công nghiệp xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp thuộc quyền quản lý.

– Hồ sơ đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường: Điều 33 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT.

– Thời hạn giải quyết (Điều 34 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT): Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét, xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.

7. Ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án.

Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 27 Nghị định 118/2015/NĐ-CP thì sau khi được quyết định chủ trương đầu tư và trước thời điểm giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, nhà đầu tư phải ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư thông qua Văn bản thỏa thuận ký quỹ giữa nhà đầu tư và Ban Quản lý khu kinh tế.

8. Thông báo thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án đầu tư tới Sở Tài nguyên và Môi trường.

– Thời hạn giải quyết (Khoản 1 Điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai):

+ Đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất: không quá 20 ngày không kể thời gian giải phóng mặt bằng;

+ Đối với chuyển mục đích sử dụng đất: Không quá 15 ngày.

+ Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, thời gian thực hiện được tăng thêm 15 ngày làm việc.

9. Thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công xây dựng công trình.

– Cơ quan tiếp nhận: Ban Quản lý khu công nghiệp.

– Thời hạn giải quyết: Khoản 8 Điều 30 Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định thời gian thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công xây dựng công trình cấp I, cấp đặc biệt không quá 40 ngày; công trình cấp II, III không quá 30 ngày; công trình còn lại không quá 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

10. Thủ tục xin giấy phép xây dựng.

– Đối tượng thực hiện: Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 89 Luật Xây dựng 2014, trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng trừ trường hợp được miễn theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

– Cơ quan tiếp nhận (Điểm d Khoản 2 Điều 17 Thông tư 15/2016/TT-BXD hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng): Ban Quản lý khu công nghiệp.

– Thời hạn giải quyết (Khoản 1 Điều 102 Luật xây dựng 2014): Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

11. Kiểm tra công tác nghiệm thu hạng mục công trình, đưa công trình vào sử dụng của Ban Quản lý khu công nghiệp.

– Thời hạn giải quyết (Điểm d Khoản 4 Điều 32 Nghị định 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng): Trong thời hạn 15 ngày đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I hoặc 10 ngày đối với các công trình còn lại kể từ khi kết thúc kiểm tra.

Bước 6: Hoàn tất các thủ tục ưu đãi đầu tư.

Tại Điều 17 Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư, cụ thể:

– Đối với dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận khoa học và công nghệ, nhà đầu tư căn cứ nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận khoa học và công nghệ để thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư.

– Đối với dự án không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận khoa học và công nghệ, nhà đầu tư căn cứ đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại Khoản 1 Điều 16 Nghị định này, quy định của pháp luật có liên quan để tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư.

Thành phần hồ sơ:

– Kê khai hoặc đề nghị áp dụng ưu đãi đầu tư;

– Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Văn bản quyết định chủ trương đầu tư; Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ đối với các dự án thuộc trường hợp cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Cơ quan tiếp nhận: Đối với các ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu; ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và các ưu đãi đầu tư khác, nhà đầu tư thực hiện thủ tục theo quy định tại cơ quan thuế, cơ quan tài chính, cơ quan hải quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng ưu đãi về đất đai và ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

Thời hạn giải quyết: Theo thời hạn giải quyết của từng cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư đối với từng loại ưu đãi đầu tư.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *