Trong hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình trạng doanh nghiệp đầu tư thua lỗ, doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, không thể tiếp tục hoạt động và buộc phải rút lui khỏi thị trường dẫn tới phá sản xảy ra khá phổ biến ngày nay.
Do đó, để bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp và các chủ nợ, Luật Phá sản 2014 (viết tắt “LPS”) quy định cụ thể những quy định về phá sản doanh nghiệp, giúp tháo gỡ các vướng mắc trong việc thực hiện và giải quyết phá sản doanh nghiệp.
Điều kiện để doanh nghiệp được công nhận phá sản?
Tại Khoản 2 Điều 4 LPS định nghĩa về phá sản như sau: “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án Nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.”
Như vậy, để được công nhận là phá sản, doanh nghiệp phải đáp ứng đồng thời cả 02 điều kiện sau:
– Mất khả năng thanh toán;
– Bị Tòa án nhân dân tuyên bố phá sản.
Trong đó, theo Khoản 1 Điều 4 LPS, doanh nghiệp, hợp tác xã được coi là mất khả năng thanh toán khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Việc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ bao gồm 02 trường hợp:
– TH 1: Doanh nghiệp không có tài sản để thanh toán các khoản nợ;
– TH 2: Doanh nghiệp có tài sản nhưng không thanh toán các khoản nợ.
Các đối tượng có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được quy định cụ thể tại Điều 5 LPS, thẩm quyền giải quyết phá sản của Tòa án nhân dân quy định tại Điều 8 LPS và thứ tự ưu tiên thanh toán, phân chia tài sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản theo quy định tại Điều 54 LPS.
Trong quá trình thủ tục phá sản doanh nghiệp được tiến hành theo quy định của pháp luật, trong trường hợp sau khi áp dụng phương án sản xuất kinh doanh nếu doanh nghiệp được phục hồi thì Tòa án ra quyết định đình chỉ mở thủ tục phá sản.
Quy định về đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản được cụ thể tại Điều 86 LPS.
Đình chỉ thủ tục phá sản:
Theo đó, Khoản 1 Điều 86 LPS quy định như sau:
“1. Kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản đến trước ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, nếu doanh nghiệp, hợp tác xã không mất khả năng thanh toán thì Tòa án nhân dân ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản.
Doanh nghiệp, hợp tác xã phải hoàn trả tạm ứng chi phí phá sản cho người nộp đơn, trừ trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật này.”
Do đó, Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ thủ tục phá sản khi doanh nghiệp không mất khả năng thanh toán kể từ ngày Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đến trước ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định đình chỉ thủ tục phá sản thì quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản phải được gửi cho những người được thông báo quyết định mở thủ tục phá sản quy định tại Khoản 1 Điều 43 LPS (Khoản 2 Điều 86 LPS).
Đồng thời, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, người tham gia thủ tục phá sản có quyền đề nghị xem xét lại, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân đang giải quyết thủ tục phá sản về quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị xem xét lại, kiến nghị quy định trên, Chánh án Tòa án nhân dân đang giải quyết thủ tục phá sản phải xem xét, giải quyết kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản và ra một trong các quyết định theo quy định tại Khoản 3 Điều 86 LPS, cụ thể như sau:
– Giữ nguyên quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản;
– Hủy quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản và giao cho Thẩm phán tiến hành giải quyết phá sản.
Quyết định giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản phải gửi cho những người được thông báo quyết định mở thủ tục phá sản quy định tại khoản 1 Điều 43 LPS trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định (Khoản 4 Điều 86 LPS).
Lệ phí, chi phí phá sản:
– Lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản: 1.500.000 đồng (Danh mục Án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 Ủy ban thường vụ Quốc Hội).
– Chi phí phá sản (là khoản tiền phải chi trả cho việc giải quyết phá sản, bao gồm thù lao Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và chi phí khác):
Theo Điểm a Khoản 4 Điều 21 Nghị định 22/2015/NĐ-CPquy định chi tiết thi hành một số điều của luật phá sản về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản (viết tắt “Nghị định 22/2015/NĐ-CP”), đối với trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản theo quy định tại Điều 86 LPS thì mức thù lao do Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thỏa thuận trên cơ sở xem xét, áp dụng căn cứ quy định tại Khoản 2 và phương thức quy định Khoản 3 Điều 21 Nghị định 22/2015/NĐ-CP. Còn đối với trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản thì mức thù lao được xác định theo Điểm b Khoản 4 Điều 21 Nghị định 22/2015/NĐ-CP.