fbpx

Bán hàng online: 6 quy định pháp luật bạn cần biết

Hiện nay, khái niệm bán hàng online, hay còn gọi là bán hàng trên mạng, kinh doanh trên Internet, … đã không còn xa lạ với nhiều người. Đây là hình thức kinh doanh tận dụng Internet để giới thiệu, quảng cáo và bán sản phẩm cho khách hàng. Việc mua bán bằng hình thức này mang lại nhiều lợi ích vì chỉ cần sử dụng các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại có kết nối mạng thì sẽ liên kết được giữa người bán-người mua, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và mặt bằng kinh doanh. 

Do đó, bán hàng online đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến trong thời đại công nghệ 4.0 ngày nay. Tuy nhiên, những quy định của pháp luật điều chỉnh phương thức này thì không phải ai cũng nắm rõ. Dưới đây là bài viết tổng hợp về các quy định pháp luật về bán hàng online cần biết để tránh bị xử phạt, làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của mình.

1. Bán hàng online không phải đăng ký kinh doanh.

Theo Điều 13 Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử (viết tắt “Thông tư 47/2014/TT-BCT”), thương nhân có website thương mại điện tử trên đó cung cấp ít nhất một trong các dịch vụ: Sàn giao dịch thương mại điện tử; khuyến mại trực tuyến; đấu giá trực tuyến phải đăng ký với Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, tại Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh có quy định:

“1. Cá nhân hoạt động th­ương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động đ­ược pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác như­ng không thuộc đối t­ượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “th­ương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động th­ương mại sau đây:

[…] b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;

c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, n­ước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định; […]”

Từ những quy định trên, chỉ những người thành lập các website thương mại điện tử mới phải đăng ký, còn những người bán hàng online đơn thuần trên các website hoặc trên ứng dụng di động như Facebook, Zalo, Instagram, … sẽ không phải thực hiện thủ tục này.

2. Trách nhiệm của người bán hàng online.

Theo Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử (viết tắt “Nghị định 52/2013/NĐ-CP”), người bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử hay còn gọi là trên các website phải có trách nhiệm sau:

– Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin quy định tại Điều 29 Nghị định 52/2013/NĐ-CP cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ;

– Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định từ Điều 30 đến Điều 34 Nghị định 52/2013/NĐ-CP như giá cả, phương thức vận chuyển, giao nhận, phương thức thanh toán, …

– Đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ;

– Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử;

Bài viết tương tự:  Những trường hợp không được uỷ quyền

– Tuân thủ quy định về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ;

– Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

3. Những hàng hóa không được bán trên mạng.

Tại Điều 3 Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định, cá nhân không được sử dụng website thương mại điện tử để kinh doanh các hàng hóa hạn chế kinh doanh sau:

– Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ;

– Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác;

– Rượu các loại;

– Thực vật, động vật hoang dã quý hiếm, bao gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến;

– Các hàng hóa hạn chế kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.

4. Mức phạt khi buôn bán hàng giả.

Theo Điều 13 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người có hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa sẽ bị phạt tiền như sau:

– Từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 1.000.000 đồng;

– Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng;

– Từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;

– Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

– Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

– Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

– Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Ba loại thuế phải nộp khi bán hàng online.

Thuế giá trị gia tăng:

Theo Điều 1 Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15 tháng 06 năm 2015 của Bộ Tài chính (viết tắt “Thông tư 92/2015/TT-BTC”), người nộp thuế giá trị gia tăng là cá nhân cư trú bao gồm cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật, ngoại trừ cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống.

Như vậy, người bán hàng online thuộc đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế giá trị gia tăng nếu có doanh thu từ bán hàng online lớn hơn 100 triệu đồng/năm.

Cách tính thuế giá trị gia tăng (Khoản 2 Điều 2 Thông tư 92/2015/TT-BTC):

Số thuế giá trị gia tăng phải nộp = Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng x 1%

Trong đó:

– Doanh thu tính thuế là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Bài viết tương tự:  Các bước xin cung cấp thông tin đăng ký của một doanh nghiệp

– Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn.

– Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán.

Thuế thu nhập cá nhân:

Tương tự thuế giá trị gia tăng, người bán hàng online cũng thuộc đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân nếu có doanh thu từ bán hàng online lớn hơn 100 triệu đồng/năm theo quy định tại Điều 1 Thông tư 92/2015/TT-BTC.

Cách tính thuế thu nhập cá nhân (Khoản 2 Điều 2 Thông tư 92/2015/TT-BTC):

Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân x 0,5%

Trong đó:

Doanh thu tính thuế là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Lệ phí môn bài:

Tại Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài, mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:

– Doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm;

– Doanh thu trên 300 triệu đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm;

– Doanh thu trên 100 triệu đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.

Lưu ý:

– Cá nhân, hộ kinh doanh được miễn lệ phí môn bài khi có doanh thu hàng năm dưới 100 triệu đồng;

– Cá nhân, hộ kinh doanh sản xuất, kinh doanh trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm;

– Nếu sản xuất, kinh doanh trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm;

– Trường hợp không kê khai lệ phí môn bài thì phải nộp lệ phí môn bài cả năm, không phân biệt thời điểm phát hiện là 6 tháng đầu năm hay 6 tháng cuối năm.

6. Phải xuất hóa đơn bán hàng khi giá trị trên 200.000 đồng.

Tại Điều 18 Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31 tháng 3 năm 2014 của Bộ Tài chính quy định, khi bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.

Như vậy, người bán phải lập hóa đơn và giao cho người mua nếu bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị thanh toán lớn hơn 200.000 đồng mỗi lần.

Bên cạnh đó, pháp luật còn quy định đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên cho người mua thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (Khoản 5 Điều 1 Thông tư 176/2016/TT-BTC ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài chính).

Trong trường hợp bị cơ quan thuế kết luận là hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo quy định của pháp luật thì bị xử phạt theo số lần tính trên số tiền thuế trốn, gian lận theo quy định tại Điều 13 Thông tư 166/2013/TT-BTC quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

Đặc biệt, nếu hành vi không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán mà cấu thành Tội trốn thuế thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *