Gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng.
Ngày 04/3/2020, để tập trung giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg, trong đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tổ chức tín dụng tự cân đối nguồn vốn để giúp doanh nghiệp khó khăn bởi dịch Covid-19 trên cơ sở cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí,… trước hết là gói hỗ trợ 250.000 tỷ đồng.
Sau khi có chủ trương, các ngân hàng đã nhanh chóng vào cuộc, chẳng hạn BIDV đăng ký hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, Agribank 100 tỷ đồng, MB Bank 35.000 tỷ đồng, ACB 15.000 tỷ đồng… Vụ tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hiện các ngân hàng đang xây dựng gói hỗ trợ tín dụng với quy mô 285.000 tỷ đồng. Bình quân lãi suất cho vay của các ngân hàng sẽ giảm 0,5-1% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường. Việc hỗ trợ này hoàn toàn đến từ các ngân hàng và không dùng nguồn ngân sách.
Điều kiện, thủ tục nhận hỗ trợ:
Gói hỗ trợ này do các tổ chức tín dụng tự động tham gia, không sử dụng ngân sách Nhà nước, cho nên điều kiện, thủ tục để hưởng gói tín dụng sẽ do các ngân hàng tự chủ.
Chẳng hạn, theo Ông Trần Ngọc Tâm – Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á cho biết: “Tùy nhóm đối tượng khách hàng, tùy tính chất rủi ro của từng doanh nghiệp mà mức hỗ trợ, ưu đãi lãi suất sẽ khác nhau. Ngân hàng cũng phải cân đối, tiết giảm chi phí đầu vào, thậm chí chúng tôi đang tính toán xin ý kiến đại hội cổ đông sắp tới về điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận, kết quả kinh doanh của năm nay. Mục tiêu quan trọng lúc này là đồng hành, hỗ trợ nhằm góp phần cùng doanh nghiệp duy trì ổn định hoạt động để sớm vượt qua khó khăn”.
Gói hỗ trợ tài khoá về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất lên đến 180.000 tỷ đồng.
Ngày 08/4/2020, Chính Phủ ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Ban đầu, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất gói hỗ trợ chỉ khoảng 30.000 tỷ đồng, sau được điều chỉnh lên hơn 80.000 tỷ đồng và cuối cùng là 180.000 tỷ đồng. Ngoài ra, không chỉ quy mô mà đối tượng được hỗ trợ cũng được điều chỉnh, mở rộng so với dự thảo Nghị định ban đầu.
Điều kiện được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất:
Theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP, để được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất thì doanh nghiệp phải thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định 41/2020/NĐ-CP.
Trình tự, thủ tục gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất:
Căn cứ Điều 4 Nghị định 41/2020/NĐ-CP, trình tự, thủ tục gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất như sau:
– Hồ sơ: Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (Phụ lục kèm theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP).
– Nơi nộp hồ sơ: Cơ quan thuế quản lý trực tiếp của doanh nghiệp.
– Thời điểm nộp hồ sơ: nộp cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế theo tháng/ quý hoặc chậm nhất là ngày 30/7/2020.
Lưu ý: Người nộp thuế tự xác định và chịu trách nhiệm về việc đề nghị gia hạn đảm bảo đúng đối tượng được gia hạn. Nếu người nộp thuế gửi hồ sơ sau ngày 30/7/2020 thì không được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất.
Hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động.
Ngày 09/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại địch Covid-19. Theo đó, một trong những đối tượng được hỗ trợ là người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ luật lao động năm 2012 trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.
Đối tượng nêu trên được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.
Quỹ Visa Foundatione công bố cam kết hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và cứu trợ khuẩn cấp 210 triệu USD giữa dịch Covid-19
Visa Foundation công bố cam kết thực hiện hai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và cứu trợ khẩn cấp với tổng giá trị 210 triệu USD để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khoản tiền cứu trợ cũng sẽ giải quyết nhu cầu cấp thiết từ các cộng đồng địa phương đối với tình hình lây nhiễm của dịch Covid-19.
Chương trình đầu tiên trị giá 10 triệu USD sẽ được chỉ định cho công tác cứu trợ khẩn cấp để hỗ trợ các tổ chức từ thiện ở tuyến đầu ứng phó với dịch Covid-19, như cứu trợ y tế công cộng và cung ứng thực phẩm ở các khu vực Visa hoạt động: Bắc Mỹ; Mỹ Latinh và Ca-ri-bê; Châu Âu; Châu Á – Thái Bình Dương; Trung Âu, Trung Đông và Châu Phi.
Chương trình thứ hai là cam kết chiến lược trị giá 200 triệu đô được thực hiện trong vòng 5 năm để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp thế giới. Số tiền tài trợ từ Quỹ Visa Foundation sẽ được dùng để cấp vốn cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) và đối tác đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nguồn viện trợ từ Mỹ để chống dịch Covid-19
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Washington dẫn thông báo ngày 01/5/2020 của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Việt Nam sẽ được nhận tổng số tiền viện trợ là 9,5 triệu USD nhằm ứng phó với dịch COVID-19, trong đó bao gồm 4,5 triệu USD cho quỹ hỗ trợ y tế; 5 triệu USD cho quỹ hỗ trợ kinh tế.
Khoản tiền hỗ trợ kinh tế sẽ được sử dụng nhằm mang lại nhiều nguồn lực cần thiết để hỗ trợ ngay lập tức, bao gồm hỗ trợ phục hồi khu vực tư nhân bằng cách giảm thiểu tác động tài chính của đại dịch đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giải quyết tác động phi tài chính mà những doanh nghiệp trên phải đối mặt, và hợp tác với các bên liên quan của Chính phủ Việt Nam để tăng cường can thiệp cứu trợ của chính phủ./.
Bộ phận tin tức VietPointLaw