fbpx

Các vấn đề pháp lý liên quan tới việc mua lại doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp phá sản

Nhiều người cho rằng doanh nghiệp nào cũng có thể mua bán được. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, chỉ công ty tư nhân mới có quyền bán toàn bộ doanh nghiệp. Hình thức mua bán chủ yếu để giành quyền kiểm soát doanh nghiệp đối với công ty cổ phần được thực hiện theo phương thức chuyển nhượng cổ phần, còn đối với công ty TNHH thì theo phương thức chuyển nhượng góp vốn trong công ty.

Mua lại doanh nghiệp là gì?

Theo Khoản 4 Điều 29 Luật Cạnh tranh 2018 (viết tắt “LCT”) định nghĩa về mua lại doanh nghiệp, cụ thể như sau: “Mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại.”

Theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014 thì việc mua bán doanh nghiệp chỉ đặt ra đối với doanh nghiệp tư nhân, còn hình thức mua bán doanh nghiệp đối với công ty cổ phần và công ty TNHH thì được thực hiện theo phương thức chuyển nhượng cổ phần, vốn góp trong công ty. Do đó với mỗi loại hình doanh nghiệp thì việc mua bán doanh nghiệp sẽ có những yêu cầu về hồ sơ và thủ tục khác nhau.

Thủ tục mua lại doanh nghiệp:

Thủ tục mua lại doanh nghiệp tư nhân:

Theo quy định Luật doanh nghiệp 2014 thì chỉ có doanh nghiệp tư nhân mới được phép bán toàn bộ. Bởi doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp chỉ do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán toàn bộ doanh nghiệp của mình cho người khác.

Tại Điều 187 Luật doanh nghiệp 2014 (viết tắt “LDN”) quy định về việc mua bán doanh nghiệp như sau:

1. Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp của mình cho người khác.

2. Sau khi bán doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp, trừ trường hợp người mua, người bán và chủ nợ của doanh nghiệp có thỏa thuận khác.

3. Người bán, người mua doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật về lao động.

4. Người mua doanh nghiệp phải đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật này.

Theo đó chủ doanh nghiệp tư nhân được phép bán doanh nghiệp của mình cho cá nhân khác và thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân theo quy định tại Điều 47 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp (viết tắt “Nghị định 78/2015/NĐ-CP”).

Thủ tục mua lại công ty TNHH:

Việc mua bán doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn được tiến hành thông qua việc chuyển nhượng vốn góp trong công ty.

Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên:

Theo Khoản 1 Điều 53 LDN quy định, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 52, Khoản 5 và Khoản 6 Điều 54 LDN thì thành viên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo trình tự như sau:

  • Phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện;
  • Chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán.

Trong mọi trường hợp chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty TNHH Hai thành viên trở lên đều phải làm thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP.

Nếu chuyển nhượng phần vốn góp cho thành viên hay cá nhân, tổ chức khác thì có các trường hợp có thể xảy ra:

Thứ nhất, nếu việc chuyển nhượng phần vốn góp cho thành viên hay cá nhân, tổ chức khác mà số thành viên không vượt quá 50 người mà công ty không có nhu cầu đồng thời chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, công ty có trách nhiệm thực hiện làm thủ tục đăng ký thay đổi thành viên công ty (nếu có) và/ hoặc thay đổi tỷ lệ vốn góp theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 45 Nghị định 78/2015/NĐ-CP.

Thứ hai, nếu việc chuyển nhượng vốn góp của các thành viên dẫn đến chỉ còn một thành viên trong công ty thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc chuyển nhượng, công ty phải thay đổi loại hình doanh nghiệp thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và thực hiện đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo hồ sơ đăng ký chuyển đổi được quy định tại Khoản 2 Điều 25 Nghị định 78/2015/NĐ-CP.

Thứ ba, nếu việc chuyển nhượng vốn góp của các thành viên dẫn đến số lượng thành viên trong công ty vượt quá 50 thành viên, công phải phải thay đổi loại hình doanh nghiệp thành công ty cổ phần và thực hiện đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo hồ sơ đăng ký chuyển đổi được quy định tại Khoản 4 Điều 25 Nghị định 78/2015/NĐ-CP trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi.

Công ty TNHH một thành viên:

Trường hợp chủ sở hữu công ty có nhu cầu chuyển nhượng vốn cho cá nhân hoặc tổ chức khác thì có thể xảy ra hai trường hợp:

Thứ nhất, nếu chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên chuyển nhượng một phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức khác dẫn đến số lượng thành viên trong công ty từ 02 thành viên trở lên thì công ty phải tiến hành chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với các trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp cụ thể như sau:

  • Trường hợp chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên: Khoản 1 Điều 25 Nghị định 78/2015/NĐ-CP.
  • Trường hợp chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần: Khoản 4 Điều 25 Nghị định 78/2015/NĐ-CP.

Thứ hai, nếu chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên chuyển nhượng toàn bộ vốn góp cho một cá nhân hoặc một tổ chức khác thì công ty phải tiến hành đăng ký thay đổi chủ sở hữu công ty theo hồ sơ đăng ký được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 46 Nghị định 78/2015/NĐ-CP.

Thủ tục mua lại công ty cổ phần:

Tương tự như công ty TNHH, việc mua bán công ty cổ phần được thực hiện bằng cách chuyển nhượng cổ phần.

Tại Điểm d Khoản 1 Điều 110 LDN quy định: “Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật này.”

Và Khoản 3 Điều 119 LDN quy định: “Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó”.

Từ quy định trên cho thấy cổ đông được tự do chuyển nhượng cổ phần và không cần đăng kí thay đổi thông tin cổ đông tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời Khoản 16 Điều 1 Nghị định 108/2018/NĐ-CP ngày 23/8/2018 của Chính phủ có quy định, các cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần thì không phải thông báo với Sở Kế hoạch và Đầu tư mà chỉ cần thực hiện chuyển nhượng nội bộ lưu lại văn phòng công ty, thu hồi và phát hành cổ phiếu cập nhật nội dung thay đổi tương ứng và cập nhật thông tin cổ đông trong sổ đăng ký cổ đông theo quy định tại Khoản 6 và Khoản 7 Điều 126 LDN.

Hình thức chuyển nhượng vốn được quy định tại Khoản 2 Điều 126 LDN, việc chuyển nhượng được thực hiện thông qua hợp đồng theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Mua lại doanh nghiệp phá sản:

Trong trường hợp doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng hỗn loạn về tài chính vàmất khả năng thanh toán các khoản nợ thì các chủ thể quy định tại Điều 5 Luật Phá sản 2014 (viết tắt “LPS”) có quyền, nghĩa vụ nộp đơn Tòa án có thẩm quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản, khi đó doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản.

Trong đó việc thanh lý tài sản trong thủ tục phá sản được quan tâm nhất, được thực hiện sau khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản. Theo Điều 64 LPS, việc thanh lý tài sản dựa trên giá trị tài sản của doanh nghiệp đã được kiểm kê và xác định sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, gồm:

  • Tài sản và quyền tài sản mà doanh nghiệp có tại thời điểm Tòa án nhân dân quyết định mở thủ tục phá sản;
  • Tài sản và quyền tài sản có được sau ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản;
  • Giá trị của tài sản bảo đảm vượt quá khoản nợ có bảo đảm mà doanh nghiệp phải thanh toán cho chủ nợ có bảo đảm;
  • Giá trị quyền sử dụng đất của doanh nghiệp được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai;
  • Tài sản thu hồi từ hành vi cất giấu, tẩu tán tài sản của doanh nghiệp;
  • Tài sản và quyền tài sản có được do thu hồi từ giao dịch vô hiệu;
  • Các tài sản khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài các tài sản nêu trên, tài sản của doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh còn bao gồm tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh không trực tiếp dùng vào hoạt động kinh doanh; trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh có tài sản thuộc sở hữu chung thì phần tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh đó được chia theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định của pháp luật có liên quan.

Tuy nhiên, trong trường hợp cá nhân, tổ chức khác muốn mua lại doanh nghiệp đang mở thủ tục phá sản thì cần khảo sát và đánh giá tiềm năng của doanh nghiệp này. Nếu bên mua thấy phù hợp với các tiêu chí đặt ra, bên bán và bên mua cần trao đổi, đàm phán để nắm bắt được tình hình cụ thể và thẩm định giá trị của công ty mua lại. Ở bước này giá trị, chi phí mua lại và nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ của công ty mua lại cũng cần được bàn bạc kỹ lưỡng bằng một bản hợp đồng. Nếu hai bên đồng ý ký kết hợp đồng đã chứng minh rằng giao dịch mua lại công ty phá sản đã hoàn tất. Khi đó cần thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ dẫn đến doanh nghiệp không còn mất khả năng thanh toán nữa thì Toà án sẽ quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 86 LPS.

Việc cần làm tiếp theo đó là hoàn thiện các thủ tục đăng ký doanh nghiệp phù hợp với mỗi loại hình doanh nghiệp theo hồ sơ và thủ tục được nêu tại Mục II tại Sở Kế hoạch và Đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành. Cuối cùng, bên bán và bên mua sẽ tiến hành bàn giao các hoạt động và tài sản bị mua lại cho bên mua.

Bộ phận Tư vấn pháp luật

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *