Ðể khuyến khích, hỗ trợ các hộ kinh doanh “lên” doanh nghiệp, Hà Nội đang triển khai các hỗ trợ về mặt thủ tục như miễn phí thành lập, miễn phí đăng ký con dấu cho doanh nghiệp mới đăng ký. Ðồng thời, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện, môi trường đầu tư, kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp.
Những năm gần đây, tại Hà Nội đã ghi nhận làn sóng thành lập doanh nghiệp mới đầy ấn tượng. Từ năm 2016 đến 2019, trên địa bàn Thành phố đã có 100.850 doanh nghiệp thành lập mới. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trung bình tăng 9,7%/năm. Chỉ tính riêng năm 2019, Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 27.114 đơn vị thành lập mới, với số vốn đăng ký 386.449 tỷ đồng, tăng 8% về số lượng doanh nghiệp so với năm 2018.
Tuy nhiên, trong số hơn 27 nghìn doanh nghiệp đó chỉ có 48 doanh nghiệp mới được chuyển đổi từ mô hình hộ kinh doanh cũ. Trong khi, theo thống kê, Hà Nội có tới 300 nghìn hộ kinh doanh, nhưng hầu hết đều ngại chuyển đổi, khiến công tác này vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Việc các hộ kinh doanh không chuyển đổi thành doanh nghiệp đã gây ra nhiều bất cập, khó khăn trong công tác quản lý, cũng như dựng nhiều rào cản trong quá trình phát triển. Ðại diện Cục Thuế Hà Nội cho biết, hoạt động của hộ kinh doanh mang tính chất “tự phát”, khó xác định địa điểm kinh doanh cố định, cho nên dễ xảy ra các trường hợp không minh bạch, lợi dụng xuất hóa đơn bất hợp pháp, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh, gây thất thu ngân sách nhà nước. Nhiều hộ kinh doanh hiện có doanh thu rất lớn, nhất là qua hình thức kinh doanh trực tuyến, nhưng nhiều trường hợp thay đổi địa điểm kinh doanh không thông báo, dẫn đến rất khó quản lý thuế.
Theo ý kiến khảo sát tại các chi cục thuế cho thấy, rào cản lớn nhất hiện nay nằm ở chính bản thân các hộ kinh doanh. Qua thực tế vận động tại cơ sở thì hộ kinh doanh còn tâm lý lo ngại khi chuyển lên doanh nghiệp. Họ cho rằng, với mô hình doanh nghiệp sẽ phải thực hiện các vấn đề như mở sổ sách, thuê kế toán, lập báo cáo tài chính, lưu giữ hóa đơn, sổ sách,… Bên cạnh đó, khi chuyển đổi thành doanh nghiệp thì còn phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính phức tạp hơn so với hộ kinh doanh như bảo hiểm, lao động, phòng cháy chữa cháy,… và chính những thủ tục này sẽ làm gia tăng chi phí, gây khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chính vì có tư duy như vậy nên rất nhiều hộ kinh doanh vẫn muốn nộp thuế theo hình thức khoán thuế và không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp, nhất là các hộ kinh doanh kinh doanh tạp hóa, hàng tiêu dùng, ăn uống, giải trí, vật liệu xây dựng,… với thị trường tiêu thụ sản phẩm trong phạm vi nhỏ, số lượng lao động ít và làm theo ca.
Ngoài ra, đặc điểm chung của các hộ kinh doanh chủ yếu là nhỏ, lẻ, chưa nắm được thủ tục pháp lý, trình độ hiểu biết cũng như nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao. Các hộ kinh doanh cũng chưa có sự nhìn nhận đúng mức về việc cần phải phát triển mở rộng kinh doanh, áp dụng kịp thời các công nghệ mới, mô hình quản lý mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh cũng như vào công tác thuế,…
Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp là hướng đi đúng
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, việc trở thành doanh nghiệp cũng giống như các hộ kinh doanh đã “trưởng thành”, hoạt động bài bản, quy mô hơn. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội cũng cho rằng, các cấp chính quyền, sở, ban, ngành nên đối thoại với các hộ kinh doanh, khuyến khích các hộ nâng cao nhận thức, mạnh dạn mở rộng quy mô. Thành phố cần cơ chế thông thoáng, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp,…
Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội là địa phương tiên phong trong việc cải cách, rút ngắn thời gian hoàn thiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp. Trên thực tế, dư luận đã đánh giá cao kết quả này và một số tỉnh, thành phố khác đã tham khảo bài học thực tiễn, tiếp nhận kinh nghiệm của Hà Nội trong vấn đề này. Từ năm 2018 đến nay, Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước trong công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua mạng với tỷ lệ 100% hồ sơ đăng ký. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã triển khai mô hình “Cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện”, hướng đến nền hành chính phục vụ.
Việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp là hướng đi đúng, hướng tới mục tiêu cả nước có 1 triệu doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc này cũng không dễ, bởi người khởi nghiệp ít nhiều vẫn còn những khó khăn ban đầu bên cạnh sự hạn chế về năng lực quản trị, kế toán. Do đó, cần chú trọng vào công tác tư vấn, tuyên truyền, đào tạo kiến thức khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, thông tin về thị trường và quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cho người đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Ông Quyền cũng cho biết, để khuyến khích việc chuyển đổi này, Hà Nội đang triển khai các hỗ trợ về mặt thủ tục như miễn phí thành lập, miễn phí đăng ký con dấu cho doanh nghiệp mới đăng ký. Thủ tục kê khai thuế đã được cải tiến, đơn giản, chi phí thực hiện các thủ tục về thuế hiện cũng rất thấp. Ðồng thời, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện, môi trường đầu tư, kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp.
Mục tiêu quan trọng của năm 2020 và giai đoạn 2021 – 2025 là tiếp tục phát triển kinh tế nhanh, bền vững; chủ yếu dựa vào động lực là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tận dụng tối đa thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động; thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Để đạt mục tiêu trên, việc cải thiện mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
Nguồn: thanglong.chinhphu.vn