Gần đây có khá nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến trái phiếu. Cụ thể, gần đây có nhiều người đứng đầu và các cá nhân khác có liên quan của Các công ty lớn bị khởi tố các vi phạm liên quan đến hoạt động huy động trái phiếu.
Tuy nhiên, chắc hẳn khái niệm “trái phiếu” còn khá xa lạ với nhiều người, đặc biệt là những người không có chuyên môn về mặt pháp lý. Vậy trái phiếu là gì, chúng tôi sẽ phân tích theo bài viết dưới đây.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật chứng khoán quy định như sau: “Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.”
Chúng ta có thể hiểu như sau, trái phiếu là một tờ “Giấy nợ”, là bằng chứng do Doanh nghiệp (người vay) lập cho nhà đầu tư mua trái phiếu (người cho vay), xác nhận Doanh nghiệp đang nợ ai đó. Theo đó, nhà đầu tư mua trái phiếu sẽ được thanh toán một khoản tiền lãi, số tiền này không bị phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh của Công ty. Có nghĩa, cho dù tình hình kinh doanh của Doanh lên hay xuống đều không làm ảnh hưởng đến khoản tiền lãi mà nhà đầu tư mua trái phiếu được nhận.
Tuy nhiên, trên thực tế, nếu Doanh nghiệp bị phá sản hoặc gặp khó khăn trong kinh doanh thì nhà đầu tư trái phiếu vẫn bị ảnh hưởng rất nhiều, thậm chí là mất trắng nếu như tài sản của Doanh nghiệp không đủ để trả nợ. Trừ trường hợp trái phiếu được Ngân hàng bảo lãnh. Thế nhưng, thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng tử tế, cũng đủ khả năng để phát hành trái phiếu có bảo đảm như vậy.
Theo Điều 54 Luật phá sản thì trường hợp doanh nghiệp phá sản thì thứ tự ưu tiên thanh toán như sau:
1. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:
a) Chi phí phá sản;
b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
……..
3. Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều này thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.
Như vậy, các khoản nợ của nhà đầu tư mua trái phiếu là trường hợp đứng gần cuối danh sách ưu tiên thanh toán nợ sau khi doanh nghiệp bị phá sản. Đây là rủi ro rất lớn cho các nhà đầu tư mua trái phiếu bởi thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ tài sản để thanh toán các khoản nợ.
Để hiểu hơn về các vấn đề về pháp lý xoay quanh các hoạt động mua bán trái phiếu, quý khách hàng vui lòng liên hệ với VietPointLaw để được tư vấn thêm.
Trân trọng.