Hỏi: Tôi đang có nhu cầu môi giới cho họ hàng một thửa đất nhưng tôi lại nghe người sống gần đó nói rằng đất này đang bị tranh chấp. Vậy tranh chấp đất đai là gì? Có cách nào để xác định nhanh nhất một thửa đất có đang bị tranh chấp hay không?
Trả lời:
VietPointLaw cảm ơn anh/ chị đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến chúng tôi. VietPointLaw xin phúc đáp câu hỏi như sau:
1. Tranh chấp đất đai là gì?
Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai (Khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013). Tranh chấp đất đai là tranh chấp xảy ra trong quan hệ đất đai khi các bên không xác định được ai là người có quyền sử dụng đất. Ví dụ: Tranh chấp về ranh giới thửa đất liền kề; cấp trùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất về một phần hoặc toàn bộ thửa đất cho hộ gia đình, cá nhân;
Cần phân biệt khái niệm này với: Tranh chấp liên quan đến đất đai là những tranh chấp mà trong đó đã xác định được người có quyền sử dụng đất; các bên trong giao dịch tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của nhau trong quan hệ dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất đó như tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất, …
Tranh chấp đất đai có thể được các bên tự hòa giải, hòa giải tại cơ sở hoặc gửi đơn yêu cầu được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã (sau đây gọi tắt là UBND cấp xã), trong đó, hòa giải tại UBND cấp xã là thủ tục bắt buộc phải thực hiện trước khi các bên muốn khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án (Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP) hoặc khiếu nại theo pháp luật về tố tụng hành chính (Khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai 2013).
Tranh chấp liên quan đến đất đai có thể được các bên tự mình hòa giải hoặc yêu cầu UBND cấp xã hòa giải nhưng đây không phải thủ tục bắt buộc nếu các bên muốn khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án (Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP).
2. Cách xác định đất có tranh chấp nhanh nhất:
Xác định tình trạng pháp lý của thửa đất đang có tranh chấp hay không ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ tranh chấp đất đai và cả người thứ ba liên quan hoặc những người đang có nhu cầu giao dịch đối tượng là thửa đất.
Ngoài việc pháp luật quy định bắt buộc phải hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã trước khi khởi kiện vụ án dân sự, khiếu nại theo thủ tục tố tụng hành chính thì rải rác trong các quy định của pháp luật về đất đai, như: Khoản 2 Điều 101 Luật Đất đai 2013; Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai đều có quy định UBND cấp xã là cơ quan xác nhận một thửa đất xác định có hoặc không có tranh chấp.
Do vậy, để xác định tranh chấp đất đai nhanh nhất, anh/ chị có thể tới UBND cấp xã để yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai, nhưng trên thực tế không phải mọi trường hợp có tranh chấp đất đai đều được UBND cấp xã thống kê được bởi có khả năng tranh chấp đất đai không được các bên yêu cầu hòa giải đến UBND cấp xã.
Ngoài ra, để chắc chắn, anh/ chị có thể xác định đất tranh chấp bằng cách khảo sát thực địa, tra cứu trực tuyến thông qua website của các Sở Tài nguyên và Môi trường của từng địa phương để biết thêm thông tin chi tiết hơn về bất động sản anh/ chị đang tìm kiếm.
3. Thủ tục yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai:
Căn cứ theo quy định tại Điều 11, Điều 12 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT, tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác dữ liệu đất đai thì nộp phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu đến cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai theo Mẫu số 01/PYC.
Việc gửi yêu cầu có thể thực hiện qua những cách thức sau:
- Nộp trực tiếp tại Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai;
- Gửi qua hệ thống bưu chính hoặc thư điện tử;
- Nộp hồ sơ qua cổng thông tin đất đai.
Thời hạn cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện ngay trong ngày đối với trường hợp nhận được yêu cầu trước 15 giờ cùng ngày;
Trường hợp Cơ quan cung cấp dữ liệu nhận được yêu cầu sau 15 giờ thì việc cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện vào ngày tiếp theo.
Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT, Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai gồm:
- Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai tại Trung ương là Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai thuộc Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường; và
- Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai ở địa phương là Văn phòng đăng ký đất đai, trường hợp địa phương chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm cung cấp dữ liệu đất đai.
Trân trọng.
Bộ phận Tư vấn Pháp luật
Tôi ở Bình Phước.Năm 1985 tôi mua đất chỉ có các cây cối làm ranh mốc, năm 1992 tôi có bán cho ô A là 3000m2 và có trồng các cây cối làm ranh mốc và ko tranh chấp,năm 1996 ô B mua lại của ô A và phá các cây cối và lấn chiếm sang đất nhà Tôi..Để hợp lý hoá số đất đã lấn chiếm, ô B đã thu hẹp các mốc ranh ở phía tây,phía bắc, phía nam để làm (sổ Đỏ1997) vẫn là 3000m2..Vậy xin hỏi bây giờ Tôi phải làm như thế nào để lấy lại số diện tích đã bị lấn chiếm?,(và liệu địa phương có dữ liệu bản đồ hành chính trước đó để lấy cơ sở cho hành vi lấn chiếm của ô B)
Chào ông, cảm ơn ông đã liên hệ cho chúng tôi, với câu hỏi trên, VietPointLaw xin được tư vấn như sau:
Theo như dữ liệu thông tin ông cung cấp, chúng tôi hiểu rằng hiện nay đất của ông bị lấn chiếm bởi một người khác.
Qua dữ liệu trên, chúng tôi có thể tư vấn sơ bộ hướng giải quyết dựa trên thông tin ông cung cấp như sau: trường hợp UBND nơi cấp giấy tờ đất (Sổ đỏ năm 1997) cho ông B là sai do xác định ranh giới đất theo Sổ đỏ năm 1997 gây lấn chiếm đất của ông thì ông có thể khiếu nại hoặc khiếu kiện hành chính về việc này. Trường hợp ông B cố tình lấn chiếm đất nhà ông, diện tích bị lấn chiếm không nằm trong ranh giới đất trong Sổ đỏ năm 1997 thì ông có thể lên UBND cấp xã yêu cầu thủ tục hòa giải hoặc khởi kiện ông B để được giải quyết buộc trả lại đất. Về bản đồ địa chính thì ông cần phải xin trích lục tại UBND cấp xã hoặc cấp Huyện (tùy địa phương) để được biết thêm thông tin.
Mặc dù vậy, với dữ liệu mà ông cung cấp còn rất hạn chế để chúng tôi có thể đánh giá bao quát và chính xác nhằm tư vấn tối ưu nhất cho ông. Vì chúng tôi chưa có đủ cơ sở để biết được đất bị lấn chiếm của ông có được nhà nước công nhận không hoặc có thuộc quyền sở dụng hợp pháp của ông không? Do đó, để có thể tư vấn chính xác hơn về trường hợp của ông, chúng tôi cần ông cung cấp thêm các giấy tờ, tài liệu như Sổ đỏ hoặc các giấy tờ khác có liên quan về nguồn gốc đất, giấy tờ về chuyển nhượng 3000m2 đất cho ông A,…. để có cái nhìn chính xác hơn về trường hợp của ông. Từ đó, có những phân tích và tư vấn cụ thể về quy định pháp luật, phương hướng và quy trình giải quyết đối với trường hợp tranh chấp đất đai của ông.
Một lần nữa, VietPointLaw trân trọng cảm ơn ông đã tin tưởng liên hệ đến chúng tôi. Trường hợp ông còn vấn đề nào còn thắc mắc, ông vui lòng liên hệ lại cho chúng tôi để được giải đáp thêm.
Trân trọng.