fbpx

Phân chia tài sản công ty của vợ chồng khi ly hôn

Khoản 1 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân.

Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình quy định, khi ly hôn về nguyên tắc, tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng sẽ được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố khác trong quá trình tạo lập và phát triển khối tài sản chung:

  • Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
  • Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
  • Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
  • Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Dựa trên quy định trên, nếu tài sản chỉ là sở hữu chung của vợ chồng thì việc phân chia dễ dàng hơn, còn tài sản công ty không chỉ có giá trị hữu hình như vốn góp, cổ phần, cổ phiếu, lợi nhuận … mà còn có giá trị đối với phần tài sản vô hình (thương hiệu, lợi thế thương mại…), ảnh hưởng đến sự phát triển công ty, lợi ích lao động, lợi ích xã hội nên việc phân chia không thể cứng nhắc theo nguyên tắc.

Hiện nay, ở Việt Nam có các loại hình phổ biến như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hay công ty hợp danh. Công ty chung của vợ chồng là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân khi cả hai vợ chồng cùng góp vốn thành lập Công ty, góp tài sản đầu tư vào công ty trong quá trình sản xuất kinh, cùng nhau sở hữu cổ phần; hoặc trường hợp, chồng hoặc vợ sử dụng tài sản chung để thành lập công ty, là chủ sở hữu; hoặc góp vốn kinh doanh với cá nhân khác để kinh doanh, góp vốn theo hình thức mua phần vốn góp, mua cổ phần của một doanh nghiệp, mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán…

Thông thường, tranh chấp về công ty chung khi hai vợ chồng ly hôn có hai dạng như sau:

  • Thứ nhất, tranh chấp về quyền quản lý, điều hành công ty, tranh chấp về cổ phần, cổ phiếu chung, quyền biểu quyết trong công ty.
  • Thứ hai, tranh chấp về quyền tài sản, nghĩa vụ của công ty, tranh chấp về phần lợi tức phát sinh trong quá trình kinh doanh, về việc chịu trách nhiệm đối với nghĩa vụ của công ty theo phần vốn đã góp vào công ty.

Theo quy định tại Điều 64 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác. Theo đó, trong những trường hợp trên, người đang đứng tên kinh doanh, góp vốn có quyền nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng.

Đối với việc hai vợ chồng cùng là cổ đông, sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp thì tài sản này là tài sản chung. Tuy vậy, việc chia tài sản là phần vốn góp, cổ phần phải áp dụng cả Luật hôn nhân và gia đình và Luật doanh nghiệp. Như đã nói trên, việc phân chia tài sản trong trường hợp này không chỉ là vấn đề để phân chia tài sản, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiềm năng, sự sống còn của Công ty, ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động, của xã hội. Vì vậy, ngoài xem xét đến công sức đóng góp của vợ, chồng trong quá trình thành lập, xây dựng và phát triển công ty chung, cũng quan tâm bảo vệ cho lợi ích chính đáng của các bên trong quản lý, kiểm soát, phát triển công ty. Phải nói thêm, cổ phần trong doanh nghiệp không chỉ có giá trị là tài sản hữu hình mà còn có giá trị đối với phần tài sản vô hình (thương hiệu, lợi thế thương mại…). Trong Luật Doanh nghiệp, các thành viên góp vốn, cổ đông có quyền và nghĩa vụ ngang nhau, không có quy định về trường hợp bị thôi, bị tước tư cách thành viên góp vốn, cổ đông do phán quyết chia tài sản của vợ chồng trong vụ án hôn nhân gia đình. Việc chuyển nhượng vốn góp, cổ phần của người này sang cho người kia chỉ được thực hiện thông qua tặng cho, chuyển nhượng, thừa kế hoặc quyền mua cổ phần phát hành.

Bộ phận Tư vấn Pháp luật

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *