fbpx

Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ youtube, facebook hoặc các trang mạng xã hội

Youtube, Facebook, Google hay những trang mạng xã hội khác ngoài việc là công cụ làm việc, ứng dụng giải trí, nguồn thông tin quan trọng trong cuộc sống của chúng ta thì nó còn giúp các cá nhân kiếm được khoản thu nhập từ việc tận dụng công nghệ phổ biến này để kinh doanh, bán hàng, làm video kiếm tiền trên lượng view khủng trên Facebook, Youtube,… Vậy, với nguồn thu nhập hấp dẫn như vậy thì những cá nhân này có phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế hay không?

Nghĩa vụ nộp thuế của cá nhân kinh doanh có thu nhập từ Youtube, Facebook hoặc các trang mạng xã hội khác.

Tại Khoản 1 Điều 5 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về nguyên tắc quản lý thuế, mọi tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của luật. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào các sắc thuế khác nhau, nghĩa vụ thuế của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức sẽ khác nhau về đối tượng chịu thuế, phương thức nộp, số tiền nộp, căn cứ vào tình trạng hoạt động kinh doanh, thương mại của họ.

Bên cạnh đó, khi cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội thì cũng tùy từng trường hợp việc đăng ký kinh doanh có thể là bắt buộc hoặc không. Nhưng trên nguyên tắc, theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, dù có đăng ký kinh doanh hay không thì khi phát sinh thu nhập chịu thuế, người có thu nhập vẫn phải có nghĩa vụ nộp thuế.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế năm 2014, thu nhập từ kinh doanh của cá nhân có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống sẽ không phải chịu thuế. Điều này có nghĩa rằng nếu doanh thu hằng năm trên 100 triệu đồng thì cá nhân kinh doanh buộc phải nộp thuế và các cá nhân nhận thu nhập từ tổ chức như Facebook, YouTube, Google,… được xếp vào dạng cá nhân kinh doanh chứ không phải cá nhân nhận tiền lương, tiền công từ các tổ chức nước ngoài.

Căn cứ Phụ lục 01 Danh mục ngành nghề tính thuế GTGT, thuế TNCN theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu đối với cá nhân kinh doanh ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính, trường hợp trên thuộc nhóm cung cấp dịch vụ, nên khi cá nhân kinh doanh trên các trang mạng xã hội và được nhận tiền từ các mạng nước ngoài chuyển về thì phải kê khai, nộp thuế theo tỷ lệ phần trăm thuế giá trị gia tăng là 5%, tỷ lệ % thuế thu nhập cá nhân là 2%.

Như vậy, những cá nhân có nguồn thu nhập từ kinh doanh trên mạng xã hội sẽ phải đóng mức thuế là 7% trên thu nhập (bao gồm 5% thuế GTGT + 2% thuế thu nhập cá nhân).

Thủ tục kê khai và đóng thuế.

Những cá nhân thuộc đối tượng chịu thuế được phân tích tại Mục 1 nêu trên sẽ phải thực hiện nghĩa vụ kê khai, đóng thuế theo quy định tại Điểm a Khoản 7 Điều 7 Thông tư 95/2016/TT- BTC hướng dẫn về đăng ký thuế như sau:

Hồ sơ đăng ký thuế:

  • Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 03-ĐK-TCT và các bảng kê (nếu có) ban hành kèm theo Thông tư 95/2016/TT- BTC;
  • Bản sao không yêu cầu chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
  • Bản sao không yêu cầu chứng thực Thẻ căn cước công dân hoặc Giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực (đối với cá nhân là người có quốc tịch Việt Nam); bản sao không yêu cầu chứng thực Hộ chiếu còn hiệu lực (đối với cá nhân là người có quốc tịch nước ngoài và người Việt Nam sống ở nước ngoài).

Cơ quan tiếp nhận: Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú).

Thời gian giải quyết: Chậm nhất không quá 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ .

Chế tài.

Trên thực tế, do đặc thù của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và nền kinh tế số của mạng xã hội thường không có cơ sở thường trú, không đăng ký doanh nghiệp hay văn phòng đại diện, nên cơ quan thuế rất khó khăn trong quá trình quản lý và xác định được doanh thu thực sự hằng năm của đối tượng này để từ đó có thể thu được thuế. Do đó, có rất nhiều trường hợp bán hàng qua mạng xã hội, thu nhập từ lượt xem trên Youtube có doanh thu vượt ngưỡng 100 triệu đồng/năm nhưng Nhà nước vẫn thất thu thuế từ các đối tượng này và có rất ít trường hợp bị phát hiện và bị truy thu thuế.

Vậy, những đối tượng cá nhân kinh doanh nhận thu nhập từ những nguồn trên mạng xã hội có thu nhập cao (cụ thể trên 100 triệu đồng/năm) tự giác kê khai, nộp thuế, chứ không nên chờ cơ quan thuế phát hiện và xử lý. Đối với các trường hợp không kê khai, đóng thuế theo quy định thì tùy vào hành vi, mức độ và thời gian chậm kê khai nộp thuế, cá nhân đó có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí khi số thuế lớn có thể chuyển sang xử lý hình sự.

Bộ phận Tư vấn Pháp luật.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *