Sử Dụng Đất Để Thực Hiện Dự Án
Đầu Tư Thông Qua Hình Thức Nhận Vốn Góp Bằng Quyền Sử Dụng Đất
Theo quy định hiện hành, pháp luật cho phép các thành viên của tổ chức kinh tế góp vốn bằng nhiều hình thức, trong đó có góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích trong phạm vi sử dụng đất thông qua hình thức nhận góp vốn của tổ chức kinh tế.
Theo đó, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định tại Điều 34 tài sản góp vốn là “Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam” và Điều 35 quy định “Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật”.
Có thể thấy, Luật Doanh nghiệp chỉ quy định khi thành viên góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì phải được định giá và phải làm thủ tục chuyển quyền quyền sử dụng đất cho công ty. Tuy nhiên, vì quyền sử dụng đất là tài sản đặc thù và được quy định trong các luật chuyên ngành. Do đó, ngoài việc tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp, thì đối với trường hợp sử dụng đất thông qua hình thức nhận góp vốn của tổ chức kinh tế, phải tuân thủ các quy định tại Luật Đất đai 2013 như sau:
“Điều 73. Sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh
1. Việc sử dụng đất để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật này mà phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. …”
Theo quy định trên, việc nhà đầu tư sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua hình thức nhận vốn góp bằng quyền sử dụng đất không chỉ giới hạn bởi điều kiện “phải được định giá” theo Luật Doanh nghiệp mà còn phải đảm bảo cơ bản 02 điểu kiện theo Luật Đất đai như sau:
1/ Phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được phê duyệt và công bố.
2/ Có sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Theo đó, nhà đầu tư hồ sơ nộp cho Sở Tài nguyên và Môi trường.
Ngoài ra, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà nhà đầu tư còn phải đảm bảo các nguyên tắc quy định tại Điều 16 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020.
Như vậy, khi góp vốn bằng quyền sử dụng đất, đặc biệt với trường hợp sử dụng đất thông qua hình thức nhận góp vốn của tổ chức kinh tế, các nhà đầu tư cần phải lưu ý tiếp cận quy định pháp luật một cách kỹ lưỡng và thận trọng để có phương án huy động vốn và đầu tư dự án đảm bảo quy định pháp luật, tránh trường hợp khiếu nại không đáng có trong quá trình làm thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Trên đây là tư vấn pháp lý của VietPointLaw liên quan đến trường hợp góp vốn bằng quyền sử dụng đất nêu trên. Trường hợp quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn thêm, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ qua:
Địa chỉ: 57 Vành Đai Tây, P. An Khánh, TP. Thủ Đức, TP. HCM.
Mobile: 0907 73 73 17 (Ls Việt Nga)
Email: info@vietpointlaw.vn
Trân trọng.