Dựa trên tình hình phát triển mạnh mẽ của giải pháp công nghệ trong các lĩnh vực trong đời sống, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong hoạt động ngân hàng.
Nhìn nhận trên thực tế, theo sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ 4, xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nghiệp cung ứng giải pháp Fintech hoạt động trong các lĩnh vực như cho vay ngang hàng (P2P Lending), các mô hình thanh toán mới, chuyển tiền xuyên biên giới, chia sẻ dữ liệu người dùng qua giao diện lập trình mở (Open APIs)… Hoạt động của loại hình các công ty này “hiện nay hầu hết đều chưa có quy định pháp lý cụ thể điều chỉnh, do đó những rủi ro phát sinh chưa được kiểm soát đầy đủ”.
Sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh chóng của Fintech tạo ra những cơ hội phát triển mới, kéo theo sự phát triển trong nhiều lĩnh vực khác nhau của kinh tế; nhưng song hành với cơ hội cũng là thách thức trong công tác quản lý, giám sát như nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố, rủi ro liên quan đến an ninh, bảo mật thông tin, sử dụng trái phép thông tin cá nhân…
Theo ý kiến tại Tờ trình Chính phủ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, “xuất phát từ thực tiễn phát triển của Hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam và thông lệ quản lý lĩnh vực Fintech trên thế giới, trước mắt việc thiết lập Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam thông qua ban hành Nghị định là hết sức cấp bách và cần thiết, đặc biệt trước chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về việc phát triển “Chính phủ số và nền kinh tế số” trong kỷ nguyên mới của Cuộc CMCN 4.0.”
Các đối tượng dự kiến được điều chỉnh theo dự thảo Nghị định bao gồm:
- Ngân hàng;
- Công ty Fintech/ Công ty cung ứng giải pháp Fintech hợp tác với Ngân hàng;
- Công ty Fintech/ Công ty cung ứng giải pháp Fintech độc lập.
Nội dung kết cấu của dự thảo Nghị định dự kiến gồm 5 Chương, 21 Điều, trong đó:
- Chương I: Quy định chung (6 điều).
- Chương II: Đăng ký, cấp và thu hồi Giấy chứng nhận tham gia thử nghiệm giải pháp Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (5 điều).
- Chương III: Giám sát quá trình thử nghiệm và rút khỏi Cơ chế quản lý thử nghiệm Fintech (5 điều).
- Chương IV: Trách nhiệm của các bên liên quan (3 điều).
- Chương V: Điều khoản thi hành (2 điều).
Dự thảo Nghị định được xây dựng với 06 nhóm chính sách chính như sau:
- Chính sách 1: Quy định đối tượng có liên quan tới hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng được tham gia thử nghiệm.
- Chính sách 2: Quy định về phạm vi lĩnh vực Fintech được tham gia thử nghiệm.
- Chính sách 3: Quy định các nhóm tiêu chí cơ bản để thẩm định và xét duyệt các tổ chức xin tham gia Cơ chế thử nghiệm.
- Chính sách 4: Quy định phạm vi thử nghiệm (không gian, thời gian).
- Chính sách 5: Quy định về việc giám sát rủi ro, tổng kết đánh giá và xác nhận tốt nghiệp các tổ chức tham gia thử nghiệm.
- Chính sách 6: Giao thẩm quyền và trách nhiệm cho một cơ quan quản lý Nhà nước (NHNN) trong quá trình thẩm định hồ sơ, giám sát quá trình thử nghiệm các giải pháp Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể quan tâm đến một số thông tin về các lĩnh vực Fintech được tham gia Cơ chế thử nghiệm Fintech được nêu trong dự thảo Nghị định như sau:
- Thanh toán;
- Tín dụng;
- Cho vay ngang hàng (P2P Lending);
- Hỗ trợ định danh khách hàng;
- Giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API);
- Các giải pháp ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo như Blockchain…
- Các dịch vụ khác hỗ trợ hoạt động ngân hàng (chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn…)
Cũng theo dự thảo Nghị định, thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech là 01 – 02 năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể, tính từ thời điểm được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thử nghiệm. Tùy thuộc vào các giải pháp Fintech cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ thảo luận với tổ chức tham gia thử nghiệm để quyết định phạm vi cho hoạt động của các giải pháp bao gồm đồng thời hoặc 1 trong 3 yếu tố sau: về địa lý, về hạn mức giao dịch và về số lượng khách hàng tham gia sử dụng dịch vụ.
Việc triển khai xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng là “cần thiết trong bối cảnh của cuộc cách mạng số và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam”.
Bộ phận Tin tức VietPointLaw.
Nguồn tham khảo: Cổng thông tin điện tử Chính phủ.