
I. Đặc điểm và tầm quan trọng của cơ sở dữ liệu đất đai.
Theo quy định của pháp luật về đất đai, dữ liệu đất đai là thông tin đất đai dưới dạng số được thể hiện bằng hình thức ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự. Cơ sở dữ liệu đất đai là tập hợp các dữ liệu đất đai được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, quản lý và cập nhật thông qua phương tiện điện tử. Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia được xây dựng thống nhất trong phạm vi cả nước, gồm các thành phần:
– Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật về đất đai;
– Cơ sở dữ liệu địa chính;
– Cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản về đất đai;
– Cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
– Cơ sở dữ liệu giá đất;
– Cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai;
– Cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai;
– Cơ sở dữ liệu khác liên quan đến đất đai.
Thực hiện mục tiêu của Cuộc cách mạng công nghệ 4.0, ngành quản lý đất đai đã và đang xây dựng cũng như vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai trên cả nước theo hướng hiện đại hóa, đồng bộ trên phạm vi cả nước theo một lộ trình thống nhất nhằm tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và đô thị thông minh. Quản lý đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin đất đai là những vấn đề quan trọng để đảm bảo quản lý đất đai một cách minh bạch, đồng thời, góp phần phòng ngừa các vấn đề phát sinh trong công tác quản lý đất đai. Cùng với đó, hệ thống thông tin đất đai đảm bảo kết nối liên thông cải cách thủ tục hành chính giữa Bộ TN&MT với các ngành như: Thuế, Hải quan. Thông qua các thông tin về hiện trạng sử dụng đất đai, các thông tin về quy hoạch, kế họach sử dụng đất đai, các thông tin về giá trị đất đai,.. sẽ làm giảm thiểu rủi ro không đáng có khi chuyển nhượng nhà đất cũng như hạn chế việc đầu cơ, thổi giá nhà đất gây bất ổn cho sự phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, hệ thống thông tin đất còn liên kết với một số hệ thông thông tin khác đưa ra các thông tin phục vụ cho việc điều hành quản lý và xem xét việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đối với đất đai cho phù hợp với các mục tiêu của các tổ chức trong và ngoài nước. Hệ thống thông tin đất đai phục vụ đắc lực, hiệu quả cho việc hình thành, phát triển thị trường chuyển quyền sử dụng đất và thị trường bất động sản thông qua việc cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin về đất đai. Ngoài ra hệ thống thông tin đất, được xây dựng để phục vụ cho một hay nhiều các ngành có nhiệm vụ đặc biệt như an ninh quốc phòng, phòng cháy chữa cháy, phòng chống tội phạm…
II. Tra cứu dữ liệu đất đai.
Theo Thông tư 34/2014/TT-BTNMT quy định về xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin đất đai, tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác dữ liệu đất đai nộp phiếu yêu cầu hoặc gửi văn bản yêu cầu cho các cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai theo Mẫu số 01/PYC (ban hành kèm theo Thông tư 34/2014/TT-BTNMT). Khi nhận được phiếu yêu cầu, văn bản yêu cầu hợp lệ của tổ chức, cá nhân, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện việc cung cấp dữ liệu cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu khai thác dữ liệu. Trường hợp từ chối cung cấp dữ liệu thì phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do. Việc nộp văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện theo một trong ba phương thức:
– Nộp trực tiếp tại cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai;
– Gửi qua đường công văn, fax, bưu điện;
– Gửi qua thư điện tử hoặc qua cổng thông tin đất đai.
Thời hạn cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện trong trường hợp trên được xác định như sau: trường hợp nhận được yêu cầu trước 15 giờ thì phải cung cấp ngay trong ngày; trường hợp nhận được yêu cầu sau 15 giờ thì cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo;
Bên cạnh đó, đối với các trường hợp khai thác dữ liệu cần phải tổng hợp, xử lý trước khi cung cấp cho tổ chức, cá nhân thì phải thực hiện bằng hình thức hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự giữa cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai và tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác dữ liệu. Mẫu hợp đồng cung cấp, khai thác dữ liệu đất đai theo Mẫu số 02 (ban hành kèm theo Thông tư 34/2014/TT-BTNMT). Thời hạn cung cấp dữ liệu đất đai được xác định theo thỏa thuận giữa cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai và người có yêu cầu bằng hình thức hợp đồng. Trong một vài trường hợp, việc khai thác thông tin đất đai phải trả phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai theo quy định của pháp luật. Mức thu phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai được Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để trình Hội đồng nhân dân thông qua.
Hệ thống dữ liệu đất đai được xây dựng một cách hợp lý, đồng bộ trên phạm vi cả nước, nếu được vận dụng tốt vào đời sống sẽ đem lại nhiều lợi ích trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính cũng như phòng ngừa và hạn chế các vấn đề phát sinh trong công tác quản lý đất đai. Vì vậy cần có sự đầu tư đúng mức và hiệu quả để phát triển đề án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
Bộ phận Tư vấn Pháp luật