fbpx

So sánh Luật Đầu tư 2020 và Luật Đầu tư 2014

Luật Đầu tư được ban hành năm 2014, sau 06 năm có hiệu lực thì đến năm 2020 Luật Đầu tư 2020 đã chính thức sửa đổi và bổ sung thêm nhiều điểm mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài và đã được Quốc hội Khóa XIV chính thức thông qua tại Kỳ họp thứ 9 ngày 17/6/2020. Dưới đây là những điểm mới nổi bật của Luật Đầu tư 2020 so với quy định hiện hành:

1. Về giải thích từ ngữ (Điều 3).

  • Bổ sung một số khoản giải thích từ ngữ để làm rõ các khái niệm trong Luật như: Hoạt động đầu tư ra nước ngoài (Khoản 13 Điều 3), Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo (Khoản 7 Điều 3), Chấp thuận chủ trương đầu tư (Khoản 1 Điều 3), Cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư (Khoản 3 Điều 3), Điều kiện đầu tư kinh doanh (Khoản 9 Điều 3), Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (Khoản 10 Điều 3).
  • Sửa đổi định nghĩa về vốn đầu tư tại Khoản 23 Điều 3, đồng thời bổ sung tại Khoản 2 Điều 45 nhà đầu tư tự xác định giá trị vốn đầu tư của dự án đầu tư sau khi dự án đưa vào khai thác, vận hành, Khoản 3 Điều 45 quy định trong trường hợp cần thiết để xác định căn cứ tính thuế, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu thực hiện giám định độc lập “giá trị vốn đầu tư” và Khoản 4 Điều 45 quy định nhà đầu tư phải chịu chi phí giám định trong trường hợp kết quả giám định dẫn đến làm tăng nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, việc xác định giá trị vốn đầu tư khi giám định sẽ do Chính phủ quy định.

2. Về áp dụng Luật Đầu tư và các luật có liên quan (Điều 4).

Bổ sung thêm quy định tại Khoản 3 Điều 4 để phân định rõ phạm vi điều chỉnh cũng như nguyên tắc áp dụng của Luật Đầu tư và các luật có liên quan để khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật như với Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp,…

3. Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6).

3.1 Về Phụ lục 1, 2 và 3.

Các Phụ lục đã được cập nhật bổ sung cụ thể như sau:

  • Phụ lục 1 (Các chất ma túy cấm đầu tư kinh doanh): cập nhật theo Danh mục các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội ban hành kèm theo Nghị định 73/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định các danh Mục chất ma túy và tiền chất. Đồng thời, bổ sung “thuốc phiện và các chế phẩm từ thuốc phiện, trừ trường hợp ethyl este của acid béo iod hóa trong dầu hạt thuốc phiện mà không còn chứa chất ma túy từ thuốc phiện” vào Phụ lục.
  • Phụ lục 2 (Danh mục hóa chất, khoáng vật cấm): cập nhật theo Danh mục hóa chất cấm được ban hành kèm theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.
  • Phụ lục 3 (Danh mục loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm): cập nhật theo Nhóm 1 Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; theo Nhóm 1 Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

Ngoài ra, Phụ lục này cũng được cập nhật một số nội dung sau: Nhóm IB, số thứ tự 85 và 86: sửa đổi tên tiếng Việt của Rùa hộp Việt Nam; chuyển Rùa hộp trán vàng Miền Bắc từ Nhóm IIB lên Nhóm IB; bỏ 02 dòng ghi tên ngành (ngành thông và ngành ngọc lan) ở danh mục Nhóm IA để thống nhất với hình thức trình bày ở danh mục Nhóm IB.

3.2 Về việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ (Điều 6).

  • Kinh doanh dịch vụ đòi nợ bị loại khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, mà chính thức được chuyển vào ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điểm h Khoản 1 Điều 6).
  • Quy định chuyển tiếp về hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ ký kết trước ngày Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành (01/01/2021), các bên tham gia hợp đồng được thực hiện các hoạt động để thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan (Khoản 5 Điều 77).

3.3 Về việc bổ sung một số ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6).

  • Bổ sung quy định cấm đầu tư kinh doanh “bào thai người” để phản ánh đầy đủ nội dung cấm của ngành, nghề bị cấm (Điểm đ Khoản 1 Điều 6).
  • Bổ sung ngành nghề kinh doanh pháo nổ vào ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điểm g Khoản 1 Điều 6).

4. Về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020).

Luật Đầu tư 2020 đã bãi bỏ một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi và bổ sung nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan. Tham khảo thêm tại Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020.

5. Về ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (Điều 9).

Bổ sung Điều 9 quy định về căn cứ công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, giao Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhằm bảo đảm tính linh hoạt trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam theo các FTA, Hiệp định đầu tư song phương và các cam kết khác có thể thay đổi hoặc sẽ đàm phán trong tương lai.

6. Về bảo lãnh của Chính phủ đối với một số dự án quan trọng.

Luật Đầu tư 2020 đã bỏ nội dung bảo lãnh của Chính phủ đối với một số dự án quan trọng để tránh lặp lại quy định khi Luật Quản lý nợ công đã quy định chi tiết bảo lãnh của Chính phủ đối với một số dự án quan trọng.

7. Về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư (Chương III).

7.1 Về hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư (Điều 15).

  • Để bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, đổi mới hình thức, điều kiện và thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư, Luật Đầu tư 2020 đã hoàn thiện quy định về ưu đãi đầu tư theo hướng quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư tại Khoản 6 và Khoản 7 Điều 15 như: áp dụng ưu đãi có thời hạn, theo kết quả thực hiện dự án; nhà đầu tư phải bảo đảm đáp ứng điều kiện ưu đãi trong thời gian được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật,…
  • Bổ sung hình thức ưu đãi mới tại Điểm d Khoản 1 Điều 15 nhằm đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với thông lệ quốc tế, gồm: khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.
  • Sửa đổi, bổ sung đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư: Xem thêm quy định tại Khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư 2020.

7.2 Về ngành, nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư (Điều 16).

Điều 16 Luật Đầu tư 2020 bổ sung một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư so với quy định cũ cụ thể như sau:

  • Giáo dục đại học (Điểm i Khoản 1 Điều 16).
  • Sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ (Điểm a Khoản 1 Điều 16).
  • Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển (Điểm d Khoản 1 Điều 16).
  • Bảo quản thuốc, sản xuất trang thiết bị y tế (Điểm k Khoản 1 Điều 16).
  • Sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành (Điểm o Khoản 1 Điều 16).

7.3 Về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt (Điều 20).

Bổ sung quy định về việc ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt tại Điều 20 Luật Đầu tư 2020 và làm rõ tiêu chí các dự án đầu tư có tác động lớn đến kinh tế – xã hội mới được hưởng ưu đãi đặc biệt, bao gồm:

  • Dự án đầu tư thành lập mới (bao gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó) các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
  • Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.

8. Về đầu tư thành lập tổ chức kinh tế (Điều 22).

Để tạo thuận lợi cho đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung quy định không yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 22.

9. Về thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (Điều 26).

  • Luật Đầu tư 2020 đã điều chỉnh tiêu chí xác định tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài căn cứ vào việc nắm giữ vốn điều lệ từ 51% trở lên thành việc nắm giữ vốn điều lệ từ 50% trở lên để bảo đảm phù hợp và thống nhất với quy định về mức cổ phần chi phối theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 (Điểm b Khoản 2 Điều 26).
  • Bổ sung thêm trường hợp nhà đầu tư nước ngoài cần thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển hoặc khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh (Điểm c Khoản 2 Điều 26).

10. Về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án (Điều 29).

Luật Đầu tư 2020 bổ sung Điều 29 để làm rõ nguyên tắc, điều kiện áp dụng từng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, gồm: đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; chấp thuận nhà đầu tư.

Mặt khác, để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các thủ tục nêu trên, đồng thời bảo đảm tính khả thi, thống nhất trong việc thực hiện các thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất, Khoản 2 Điều 29 quy định việc chấp thuận chủ trương đầu tư được thực hiện trước khi xem xét, quyết định áp dụng thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

11. Về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư (Mục 2 Chương IV).

11.1 Về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (Điều 31).

  • Thu hẹp phạm vi dự án phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo hướng tăng cường phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư (dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh sân golf quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 32).
  • Bãi bỏ quy định Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án có quy mô vốn từ 5.000 tỷ đồng trở lên.
  • Bổ sung trường hợp với quy mô dân số từ 15.000 người trở lên theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 31 tương đương với quy mô hình thành đơn vị hành chính cấp xã, phường, do vậy cần trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

11.2 Về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư (Điều 33, 34, 35 và Điều 36).

11.2.1 Về hồ sơ, nội dung thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư (Điều 33).

Ghép các quy định về hồ sơ, nội dung thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư tại các Điều 33, 34 và Điều 35 Luật Đầu tư 2014 thành 1 Điều 33 Hồ sơ, nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, các nội dung còn lại chỉ quy định về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư để dễ áp dụng.

11.2.2 Về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.

Sắp xếp lại bố cục về Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội (Điều 34); Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (Điều 35); Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Điều 36).

12. Về điều chỉnh dự án đầu tư (Điều 41).

Cải cách, đơn giản hóa cho việc triển khai dự án đầu tư, mở rộng quyền tự chủ của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh, ngăn ngừa các trường hợp hạn chế về năng lực thực hiện dự án hoặc chây ỳ, Luật Đầu tư 2020 đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung về điều chỉnh dự án đầu tư như sau:

  • Quy định quyền của nhà đầu tư trong việc điều chỉnh mục tiêu, quy mô, nội dung dự án đầu tư; sáp nhập, tách dự án đầu tư; thay đổi nhà đầu tư; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư và các nội dung khác (Khoản 1 Điều 41).
  • Quy định rõ các trường hợp điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư (Khoản 2 Điều 41).
  • Bỏ quy định về giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư được quy định tại Điều 46 Luật Đầu tư 2014 để thực hiện thống nhất thủ tục điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2020 và đồng bộ với quy định của Luật Đất đai 2013.
  • Làm rõ các trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư (Khoản 3 Điều 41).
  • Bổ sung quy định tại Khoản 4 Điều 41 nhà đầu tư không được điều chỉnh tiến độ đầu tư quá 24 tháng so với tiến độ đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu, trừ một trong các trường hợp được quy định cụ thể tại điều khoản này.
  • Điều chỉnh mức tăng tổng vốn đầu tư phải điều chỉnh chủ trương đầu tư từ 10% lên 20% tại Điểm c Khoản 3 Điều 41.

13. Về triển khai thực hiện dự án đầu tư (Mục 4 Chương IV).

13.1 Về bảo đảm thực hiện dự án đầu tư (Điều 43).

Luật Đầu tư 2020 bổ sung trường hợp không cần phải đảm bảo thực hiện dự án đầu tư tại Khoản 1 Điều 43, cụ thể:

Nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ các trường hợp sau đây:

  • Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
  • Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
  • Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ hoặc đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
  • Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác.

13.2 Về chuyển nhượng dự án (Điều 46).

Bổ sung một số điều kiện nhà đầu tư chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác phải đáp ứng các điều kiện:

  • Nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án đầu tư, một phần dự án đầu tư phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật Đầu tư 2020 (Điểm b Khoản 1 Điều 46).
  • Điều kiện theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản trong trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án bất động sản (Điểm d Khoản 1 Điều 46).
  • Doanh nghiệp nhà nước còn có trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trước khi thực hiện việc điều chỉnh dự án đầu tư (Điểm e Khoản 1 Điều 46).

13.3 Về chấm dứt dự án (Điều 48).

Bổ sung quy định về một số trường hợp giao Cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoặc chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư đối với trường hợp dự án đầu tư thuộc trường hợp:

  • Dự án đầu tư thuộc trường hợp bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai (Điểm d Khoản 2 Điều 48).
  • Nhà đầu tư không ký quỹ hoặc không có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư (Điểm đ Khoản 2 Điều 48).
  • Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo theo quy định của pháp luật về dân sự (Điểm e Khoản 2 Điều 48).

14. Về ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài; ngành nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện (Điều 53 và Điều 54).

Bổ sung quy định về ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài tại Điều 53, cụ thể:

  • Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Điều 6 của Luật này và các điều ước quốc tế có liên quan.
  • Ngành, nghề có công nghệ, sản phẩm thuộc đối tượng cấm xuất khẩu theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương.
  • Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.

Bổ sung quy định về ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện tại Điều 54, cụ thể:

  • Ngân hàng.
  • Bảo hiểm.
  • Chứng khoán.
  • Báo chí, phát thanh, truyền hình.
  • Kinh doanh bất động sản.

Bộ phận Tư vấn Pháp luật.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *