fbpx

Mẫu hợp đồng tặng cho phần vốn góp 2020

1. Quy định về tặng cho phần vốn góp trong công ty TNHH hai thành viên:

Căn cứ Khoản 6 Điều 50 Luật Doanh nghiệp 2014, thành viên công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hai thành viên được quyền tặng cho một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

Đối tượng được tặng cho phần vốn góp được chia thành những trường hợp sau:

– Trường hợp 1: Người được tặng cho đương nhiên là thành viên của công ty. Gồm:

+ Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của thành viên;

+ Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của thành viên; cháu ruột của thành viên mà thành viên là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

+ Cụ nội, cụ ngoại; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của thành viên; cháu ruột của thành viên mà thành viên đó là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của thành viên mà thành viên đó là cụ nội, cụ ngoại; (Khoản 5 Điều 54 Luật Doanh nghiệp 2014)

+ Thành viên hiện hữu của công ty.

– Trường hợp 2: Người được tặng cho chỉ là thành viên công ty khi được Hội đồng thành viên (HĐTV) chấp thuận: Những trường hợp còn lại.

a. Tặng cho phần vốn góp trong Trường hợp 1:

– Công ty phải thực hiện thủ tục thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, nếu thuộc một trong những trường hợp sau:

+ Thành viên tặng cho một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác không phải thành viên hiện hữu, trừ trường hợp thành viên tặng cho một phần hoặc toàn bộ vốn góp của mình tại công ty cho nhiều người dẫn đến công ty TNHH có nhiều hơn 50 thành viên thì công ty TNHH hai thành viên phải thực hiện việc chuyển đổi loại hình sang công ty cổ phần;

+ Thành viên tặng cho một phần vốn góp của mình tại công ty cho thành viên hiện hữu;

+ Thành viên tặng cho toàn bộ phần vốn góp của mình cho thành viên hiện hữu trong công ty TNHH có nhiều hơn 2 thành viên;

– Công ty phải thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình sang công ty TNHH một thành viên khi thành viên tặng cho toàn bộ phần vốn góp của mình cho thành viên hiện hữu trong công ty TNHH chỉ có 2 thành viên.

Bài viết tương tự:  Chi nhánh hạch toán độc lập là gì? Sự khác biệt giữa chi nhánh hạch toán độc lập và chi nhánh hạch toán phụ thuộc.

b. Tặng cho phần vốn góp trong Trường hợp 2:

– Người nhận tặng cho phần vốn góp không phải là một trong những người thuộc Trường hợp 1 sẽ chỉ là thành viên công ty nếu được HĐTV chấp thuận, trong trường hợp này, pháp luật không quy định cụ thể việc HĐTV chấp thuận là phải đạt tỷ lệ cụ thể bao nhiêu, do đó, công ty được quyền quy định một tỷ lệ chấp thuận xác định, phương thức chấp thuận trong Điều lệ công ty.

– Trường hợp người nhận tặng cho phần vốn góp được HĐTV chấp thuận là thành viên thì công ty phải thực hiện thủ tục thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

– Trường hợp người nhận tặng cho phần vốn góp không được HĐTV chấp thuận là thành viên công ty thì người nhận tặng cho phần vốn góp được quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp theo quy định tại Điều 52 hoặc chuyển nhượng phần vốn góp theo quy định tại Điều 53 Luật Doanh nghiệp 2014.

2. Quy định về tặng cho phần vốn góp trong công ty TNHH một thành viên:

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 77 Luật Doanh nghiệp 2014, chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên có quyền tặng cho một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho một hoặc một số cá nhân, tổ chức khác.

Việc tặng cho phần vốn góp trong công ty TNHH một thành viên có thể xảy ra hai trường hợp sau đây:

– Trường hợp 1: Chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên tặng cho toàn bộ phần vốn góp của mình cho một cá nhân hoặc một tổ chức khác thì công ty phải tiến hành thủ tục thay đổi chủ sở hữu;

– Trường hợp 2: Công ty phải thực hiện thủ tục chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp tương ứng (công ty TNHH hai thành viên, công ty cổ phần), nếu thuộc một trong những trường hợp sau:

+ Thành viên tặng cho một phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác;

+ Thành viên tặng cho toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho nhiều người khác.

Bài viết tương tự:  Một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP (Phần 1)

3. Quy định về tặng cho phần vốn góp trong công ty hợp danh:

Thành viên công ty hợp danh gồm thành viên hợp danh và thành viên góp vốn.

Trong đó, thành viên góp vốn có quyền tự do định đoạt phần vốn góp của mình bằng cách tặng cho phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác (Điểm e Khoản 1 Điều 182 Luật Doanh nghiệp 2014).

Thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty; đồng thời, chỉ được tặng cho một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác nếu được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại (Khoản 3 Điều 175 Luật Doanh nghiệp 2014).

4. Quy định về thuế thu nhập trong hoạt động tặng cho phần vốn góp:

Những trường hợp tặng cho phần vốn góp trong các trường hợp nêu trên là hoạt động không phát sinh thu nhập cho bên tặng cho, do vậy, bên tặng cho không phát sinh thu nhập chịu thuế và không phải nộp thuế thu nhập.

Tuy nhiên, phần vốn góp được tặng cho là một loại thu nhập chịu thuế đối với bên nhận tặng cho, do vậy, bên nhận tặng cho phần vốn góp có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập theo quy định tại Điểm b Khoản 10 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 hướng dẫn thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân (sau đây gọi tắt là Thông tư 111/2013/TT-BTC).

Căn cứ theo quy định tại Điểm b Khoản 1 và Khoản 4 Điều 16 Thông tư 111/2013/TT-BTC, bên nhận tặng cho phần vốn góp là cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân. Thuế thu nhập cá nhân phải nộp tính trên thu nhập để tính thuế là giá trị của phần vốn góp được xác định căn cứ vào giá trị sổ sách kế toán của công ty tại thời điểm gần nhất trước thời điểm đăng ký quyền sở hữu phần vốn góp nhân (x) với thuế suất 10%.

Trường hợp bên nhận tặng cho là tổ chức thì việc kê khai và thực hiện nghĩa vụ về thuế được thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thuế trong từng trường hợp.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *