Ngày nay, Việt Nam là một trong những đất đang phát triển và nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong trong những địa điểm du lịch hấp dẫn và phổ biến được biết đến nhiều trên thế giới. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã thiết lập những quy định cụ thể để quản lý việc nhập cảnh và lưu trú.
Trong bài viết này, VietPoint Law gửi đến Quý Khách hàng một số quy định về thị thực tại Việt Nam và cung cấp hướng dẫn sơ bộ về thủ tục xin thị thực.
1. Thị thực là gì?
Theo quy định tại Khoản 11 Điều 3 Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Quá cảnh, Cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, thị thực (thường được gọi là visa) là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Tùy theo mục đích và nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam, như mục đích du lịch, tham gia hội nghị, hội thảo, tìm hiểu thị trường, đầu tư, lao động, hoạt động báo chí, học tập… sẽ được cấp loại thị thực và thời gian phù hợp với yêu cầu.
2. Giá trị sử dụng và hình thức của thị thực
Theo Điều 7 Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Quá cảnh, Cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (sửa đổi 2019), quy định về hình thức và giá trị sử dụng của thị thực như sau:
– Thị thực được cấp vào hộ chiếu, cấp rời hoặc cấp qua giao dịch điện tử. Thị thực cấp qua giao dịch điện tử là thị thực điện tử.
– Thị thực được cấp riêng cho từng người, trừ các trường hợp sau đây:
(i) Cấp thị thực theo cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ đối với trẻ em dưới 14 tuổi chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ;
(ii) Cấp thị thực theo danh sách xét duyệt nhân sự của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài tham quan, du lịch bằng đường biển hoặc quá cảnh đường biển có nhu cầu vào nội địa tham quan, du lịch theo chương trình do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Việt Nam tổ chức; thành viên tàu quân sự nước ngoài đi theo chương trình hoạt động chính thức của chuyến thăm ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tàu, thuyền neo đậu.
– Thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần; thị thực điện tử và thị thực được cấp cho trường hợp (ii) nêu trên có giá trị một lần.
– Thị thực không được chuyển đổi mục đích, trừ các trường hợp sau đây:
+ Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam;
+ Có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh;
+ Được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động;
+ Nhập cảnh bằng thị thực điện tử và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Trường hợp chuyển đổi mục đích thị thực thì được cấp thị thực mới có ký hiệu, thời hạn phù hợp với mục đích được chuyển đổi.
3. Điều kiện cấp thị thực.
Theo quy định tại Điều 7 Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Quá cảnh, Cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (sửa đổi 2019), điều kiện cấp thị thực bao gồm:
– Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
– Có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh, trừ trường hợp quy định tại Điều 16a, Điều 16b và khoản 3 Điều 17 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (sửa đổi 2019).
– Không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (sửa đổi 2019).
– Các trường hợp sau đây đề nghị cấp thị thực phải có giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh:
+ Người nước ngoài vào đầu tư phải có giấy tờ chứng minh việc đầu tư tại Việt Nam theo quy định của Luật đầu tư;
+ Người nước ngoài hành nghề luật sư tại Việt Nam phải có giấy phép hành nghề theo quy định của Luật luật sư;
+ Người nước ngoài vào lao động phải có giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật lao động;
+ Người nước ngoài vào học tập phải có văn bản tiếp nhận của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục của Việt Nam.
4. Thời gian xử lý và kết quả.
Thời gian xử lý đơn xin thị thực thường dao động từ vài ngày đến vài tuần, tùy thuộc vào loại thị thực và tình hình cụ thể. Sau khi xử lý, Quý Khách hàng sẽ nhận được thông báo về kết quả. Nếu thị thực được chấp thuận, bạn có thể bắt đầu chuẩn bị cho chuyến đi đến Việt Nam.
5. Lưu ý
Khi đến Việt Nam, Quý Khách hàng cần tuân thủ mọi quy định và điều kiện liên quan đến thị thực. Thời hạn lưu trú, mục đích sử dụng thị thực, và các quy tắc khác cần được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Tuân thủ các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Quý Khách hàng có nhu cầu tìm hiểu thêm hoặc ủy quyền thực hiện các dịch vụ xin thị thực nhập cảnh vào Việt Nam, vui lòng liên hệ với VietPoint Law để được tư vấn.
VIETPOINT LAW FIRM
Hotline: 0932 53 93 17 (Luật sư Huỳnh Thị Tuyết Ngân).
Email Tư Vấn: tuyetngan@vietpointlaw.vn
Địa Chỉ: 57 Vành Đai Tây, Khu Phố 4, Phường An Khánh, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh.