fbpx

Lý Do 34 Căn hộ Xây dựng Trái Phép Ở Đà Nẵng Vẫn tồn Tại Là Gì?

Ngày 12/09/2019 UBND Quận Cẩm Lệ vừa tiến hành kiểm tra đột xuất việc thực hiện các quy định pháp luật về cấp phép xây dựng và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trên địa bàn. Qua kiểm tra phát hiện công trình của bà Nguyễn Thanh Huyền (trú tại Tổ 30, P. Hòa Xuân, Quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) đã vi phạm trong quá trình xây dựng và sử dụng công trình.

Vi phạm trong xây dựng và sử dụng nhà ở

Theo vụ việc bà Huyền được UBND Quận Cẩm Lệ cấp 5 giấy phép xây dựng cho 5 nhà ở riêng lẻ tại các thửa đất từ 27 đến 35 đường Lê Quang Định. Tuy nhiên, bà Huyền đã tự ý thay đổi so với giấy phép được cấp, biến 5 căn nhà riêng lẻ thành 34 căn hộ.

Vi Phạm Trong Xây Dựng Và Sử Dụng Nhà Ở
Ảnh: S.X. Nguồn: Báo Thanh Niên

Trong đó: 1 căn dùng để ở và 33 căn dùng để kinh doanh. Điều đáng nói là các căn hộ này của bà Huyền được UBND Quận Cẩm Lệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường đối với dự án nhà ở gia đình kết hợp với nhà trọ; Phòng Tài chính – Kế hoạch Quận Cẩm Lệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú dài hạn với tên đăng ký là “White House”.

Sau đó đến tháng 6/2019 Bà Huyền được Sở Tài nguyên và môi trường TP. Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất theo đúng hiện trạng tại 5 công trình trên.

Như vậy, rõ ràng bà Huyền đã vi phạm các quy định trong việc xây dựng và sử dụng nhà ở. Cụ thể:

Thứ nhất, Việc bà Huyền tự ý xây dựng không đúng giấy phép đã vi phạm các trường hợp cấm theo quy định tại Khoản 4 Điều 12 Luật Xây dựng 2014: “Xây dựng công trình không đúng quy hoạch xây dựng, trừ trường hợp có giấy phép xây dựng có thời hạn; vi phạm chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng; xây dựng công trình không đúng với giấy phép xây dựng được cấp.”

Thứ hai, vi phạm các quy định về mục đích sử dụng đối với nhà ở đã được đăng ký với cơ quan nhà nước và kinh doanh khi chưa đủ điều kiện. Cụ thể:

Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 68 và Điều 74 Nghị định 78/2015/NĐ-CP hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp, trong đó quy định về hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện: Giấy chứng nhận này chỉ có hiệu lực khi hộ kinh doanh đáp ứng điều kiện về kinh doanh bất động sản.

Bài viết tương tự:  Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020

Căn cứ Khoản 2 Điều 3 Luật Nhà ở 2014 quy định “nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập”.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 11 Điều 12 Luật Xây dựng, hành vi của bà Huyền thuộc các hành vi bị nghiêm cấm: “Sử dụng công trình không đúng mục đích, công năng sử dụng;…”.

Ngoài ra, việc các cơ quan chức năng cấp các loại giấy chứng nhận cho Bà Huyền khi chưa đủ điều kiện cũng cần phải xem xét.

Hướng xử lý theo quy định của pháp luật

Căn cứ theo quy định tại Điểm a Khoản 7 Điều 15 và Điểm a Khoản 3 Điều 57 Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng nhà ở, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý xử dụng nhà và công sở thì hành vi của bà Huyền có thể vị xử phạt:

Bị phạt tiền từ 50 đến 60 triệu đồng đối với hành vi xây dựng không phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

Bị phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh.

Do hành vi của bà Huyền được phát hiện khi công trình chưa hoàn thành. Do đó áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm, bà Huyền có trách nhiệm làm thủ tục để cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Tuy nhiên, bà Huyền đã không thực hiện, do đó, áp dụng biện pháp khắc phục tại Điều 5 Thông tư 03/2018/TT-BXD quy định chi tiết một số điều của Nghị định 139/2017/NĐ-CP buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm.

Bài viết tương tự:  Điều kiện chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại

Tại sao 34 căn hộ xây dựng trái phép còn tồn tại?

Tại Sao 34 Căn Hộ Xây Dựng Trái Phép Còn Tồn Tại?
Ảnh: S.X. Nguồn: Báo Thanh Niên

Theo như phân tích trên thì những căn hộ của Bà Huyền phải bị tháo dỡ theo quy định. Tuy nhiên, những căn hộ này hiện nay vẫn tồn tại.

Theo Chủ tịch UBND Quận Cẩm Lệ cho rằng, việc xảy ra hành vi vi phạm trên là do bắt nguồn từ việc chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật từ cá nhân bà Huyền và việc thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên của các cán bộ cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên dẫn đến việc chấp hành các quy định về giấy phép còn nhiều hạn chế, thiếu sót dẫn đến không kịp thời phát hiện vi phạm.

Bên cạnh đó, mặc dù các công trình xây dựng không đúng giấy phép xây dựng đã được cấp nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với mỹ quan đô thị, do đó, để tạo điều kiện cho bà Nguyễn Thị Thanh Huyền không áp dụng biện pháp: “Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm” và giao nhiệm vụ cho Phòng Quản lý đô thị hướng dẫn hộ kinh doanh thực hiện thủ tục chuyển đổi đối với 5 công trình xây dựng nêu trên và hoàn thành trong tháng 09/2019.

Có ngoại lệ trong việc áp dụng các quy định của pháp luật?

Pháp luật đặt ra để tất cả mọi người tuân thủ trong quá trình thực hiện nhằm tạo ra sự bình đẳng trong xã hội. Khi cá nhân, tổ chức vi phạm phải bị xử lý theo quy định kể cả việc áp dụng các ngoại lệ khi xử lý vi phạm.

Trong khi đó việc xử lý vi phạm đối với hành vi của bà Huyền pháp luật hoàn toàn không có quy định ngoại lệ. Việc các cơ quan chức năng tự tạo ra ngoại lệ xử lý dựa trên việc thiếu kiến thức của người vi phạm và sự lỏng lẻo trong việc giám sát của cơ quan nhà nước. Liệu có phù hợp? Cơ quan nhà nước có giữ được vai trò hành pháp? Pháp luật có giữ được vị trí thượng tôn như Hiến pháp đã quy định.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *