Hỏi: Xin chào Luật sư. Tôi hiện đang là một viên chức, nay tôi muốn thành lập một hộ kinh doanh để tăng thêm thu nhập. Tôi muốn hỏi theo quy định của pháp luật hiện hành, viên chức không được phép thành lập hộ kinh doanh phải không? Nếu được phép thành lập thì hộ kinh doanh của tôi có thể hoạt động trong những ngành, nghề nào? Thủ tục đăng ký thành lập hộ kinh doanh như thế nào? Xin cảm ơn Luật sư.
Trả lời: VietPointLaw cám ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. VietPointLaw xin phúc đáp câu hỏi như sau:
Những đối tượng nào được phép thành lập hộ kinh doanh?
Pháp luật hiện hành chỉ quy định về những đối tượng không được phép thành lập và quản lý doanh nghiệp, cụ thể được nêu tại Khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2014. Hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp, do đó không chịu sự điều chỉnh của quy định này.
Theo Khoản 1 Điều 67 Nghị định 78/2015/NĐ – CP do Chính phủ ban hành ngày 14 tháng 9 năm 2015 có quy định: “Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ; các hộ gia đình có quyền thành lập hộ kinh doanh.”
Như vậy, nếu bạn là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì bạn có quyền thành lập hộ kinh doanh.
Lưu ý rằng bạn chỉ có thể đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc theo quy định tại Khoản 2 Điều 67 Nghị định 78/2015/NĐ – CP, bởi vì khi thành lập hộ kinh doanh, bạn phải chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản đối với hoạt động của hộ kinh doanh.
Đồng thời, bạn cũng không được đồng thời là chủ sở hữu của doanh nghiệp tư nhân, hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
Hộ kinh doanh có thể hoạt động trong những ngành, nghề nào?
Pháp luật hiện hành không giới hạn ngành, nghề kinh doanh của hộ kinh doanh. Do đó, hộ kinh doanh được phép kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
Khoản 2 Điều 74 Nghị định 78/2015/NĐ – CP quy định hộ kinh doanh được phép kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động.
Nếu trong trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc hộ kinh doanh kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra Thông báo yêu cầu hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh:
Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh rất đơn giản, được quy định tại Điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ – CP, cụ thể như sau:
– Về hồ sơ:
Bạn gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh kèm theo bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.
– Địa điểm gửi hồ sơ:
Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh, cụ thể là Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận cho bạn.
– Thời gian thực hiện thủ tục:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, bạn sẽ nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh nếu có đủ các điều kiện:
a) Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;
b) Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định tại Điều 73 Nghị định 78/2015/NĐ – CP;
c) Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.